Theo một cuốn hồi ký dự kiến xuất bản ngày 5-4, cựu nhân viên CIA tham gia lập kế hoạch loại bỏ Tổng thống Assad, Douglas Laux, cho biết vào tháng 8-2011, Tổng thống Obama được thuyết phục rằng đây là thời điểm để nhà lãnh đạo Syria phải rời khỏi chiếc ghế quyền lực, mở đường cho giải pháp chính trị nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài dai dẳng ở quốc gia Trung Đông này.
Lúc đó, giám đốc CIA là David Petraeus. Kế hoạch nói trên được tướng Petraeus và cả cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton cùng Thư ký Quốc phòng Leon Panetta ủng hộ. Tuy nhiên, ông Obama đã thẳng thừng từ chối.
Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình NBC (Mỹ), ông Laux mô tả sự thất vọng khi các chính sách của Washington, bao gồm về tình hình Syria, bị thất bại. Từng có thời gian hoạt động tại Afghanistan và Syria, ông Laux thừa nhận ngay cả khi kế hoạch của CIA được thực hiện, không chắc cuộc nội chiến ở Syria sẽ kết thúc cũng như sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị ngăn chặn.
Dù vậy, nó chứng minh một điều rằng cáo buộc ông Obama do dự về tình hình Syria kể từ khi bắt đầu cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Bashar al-Assad là đúng sự thực. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng được cho là muốn hỗ trợ để tiến tới giải pháp chính trị nhưng hành động không dứt khoát.
Tuy nhiên, CIA bác bỏ những thông tin mà ông Laux dẫn trong cuốn hồi ký. Cơ quan này hy vọng “một ngày nào đó, khi trưởng thành và chín chắn hơn, ông Laux sẽ có cái nhìn đúng đắn về thời gian phục vụ cho CIA”.
Về phần Tổng thống Obama, ông tiếp tục duy trì kế hoạch cung cấp vũ khí cho lực lượng phiến quân ôn hòa Syria và dẫn đầu liên quân để chống lại IS trên mặt đất. Ông cũng nhấn mạnh sẽ không đối đầu trực tiếp với Tổng thống Assad khi dập tắt ý định tấn công trả đũa vụ thường dân bị phun khí sarin gần Damascus vào năm 2013.
Trong khi đó, chính phủ Mỹ tin rằng Iran đang rút các lực lượng tinh nhuệ của mình khỏi Syria trong một nỗ lực để giảm bớt lo ngại rằng Tehran muốn sử dụng lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) nhằm tăng cường ảnh hưởng khắp Trung Đông.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hồi cuối tháng 2 vừa qua thông báo với quốc hội rằng Iran đang rút lực lượng IRGC khỏi Syria. Phát biểu trước Ủy ban Ngoại giao Hạ viện, ông Kerry khẳng định lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã ra lệnh rút phần lớn quân đội ở Syria về nước. Thế nên, sự hiện diện quân sự của Tehran ở đây đã sụt giảm.
Một quan chức Mỹ giấu tên nhận định việc IRGC rút lui có thể buộc Tổng thống Assad phải dựa nhiều hơn vào lực lượng của mình. Tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự, lực lượng dân quân người Shiite do Tehran hậu thuẫn vẫn còn trong vòng chiến nên dù IRGC không can dự, sức mạnh của nhà lãnh đạo Syria vẫn không mấy suy suyển.
Iran đẩy mạnh hỗ trợ Syria từ tháng 10-2015. Lực lượng IRGC được huy động để chỉ đạo các nhóm dân quân người Shiite bao gồm thành phần chủ yếu đến từ Iraq, Afghanistan và Pakistan. “Iran đã làm rất nhiều để tăng cường cho chế độ Assad - ổn định chế độ Assad - thông qua việc tạo ra các nhóm dân quân” – cựu nhân viên CIA hoạt động tại Trung Đông Scott Modell cho biết.
Một nhân viên cấp cao của quốc hội Mỹ cho rằng những gì Mỹ nhìn thấy từ Iran không khác việc Nga rút lực lượng khỏi Syria. Nguyên nhân là cả 2 nước thu hồi một số lực lượng và nguồn lực nhưng không làm ảnh hưởng đến cục diện tại chiến trường.
Trái ngược với tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ cùng một số quan chức Washington khác, chỉ huy đơn vị hàng không vũ trụ của IRGC Amir Ali Hajizadeh ngày 9-3 nói rằng Tehran vẫn đang triển khai thêm binh sĩ tới Syria.
Gần đây nhất, hôm 4-4, hãng tin Fars dẫn lời Tướng Ali Arasteh, phó chỉ huy bộ phận liên lạc của bộ binh Iran, tiết lộ nước này đã cử một số biệt kích đến Syria. Báo cáo của một viện nghiên cứu tại Mỹ chỉ ra rằng hơn 1.500 binh sĩ Iran đã được triển khai tới Syria từ tháng 9 năm ngoái.
Bình luận (0)