Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Rossiya-24 hôm 15-8, ông Shoigu nói: “Điều gì sẽ xảy ra nếu Tổng thống Vladimir Putin của chúng tôi không thuyết phục được và làm trung gian cho ý tưởng từ bỏ cũng như phá hủy vũ khí hóa học? Nếu chúng ta chỉ nói về tên lửa hành trình... 624 quả, nếu tôi nhớ không nhầm, đã được chuẩn bị để thực hiện một cuộc tấn công lớn vào Syria trong 24 giờ”.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho biết thêm sẽ rất khó khôi phục lại cấu trúc nhà nước Syria sau một cuộc tấn công quy mô lớn như vậy.
Trở lại năm 2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama khi ấy thông qua kế hoạch tấn công Syria. Ông chủ Nhà Trắng đổ lỗi cho chế độ Tổng thống Bashar al-Assad đứng sau vụ chất độc khí sarin tại vùng ngoại ô Damascus do quân phiến loạn kiểm soát.
Tuy nhiên, Nga đã can thiệp để “ngăn chặn NATO tấn công Syria” bằng việc thúc đẩythỏa thuận, trong đó Syria từ bỏ kho vũ khí hóa học của mình, đồng thời tham gia Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí hóa học.
Còn hiện tại, ông Shoigu nói rằng Nga và Mỹ đang đàm phán trực tiếp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở TP Aleppo, lập lại hòa bình và cho phép người dân Syria trở về nhà.
Theo hãng tin RIA, ông Shoigu cho hay Nga và Mỹ sắp đạt thỏa thuận cùng tiến hành chiến dịch quân sự chống các nhóm khủng bố tại thành phố Aleppo.
"Chúng tôi đang ở một giai đoạn rất tích cực trong cuộc đàm phán với các đối tác Mỹ. Chúng tôi đang từng bước tiền gần tới một kế hoạch tại Aleppo, cho phép Nga và Mỹ bắt đầu cùng chiến đấu để mang lại hòa bình, giúp người dân tại khu vực phức tạp này có thể trở về nhà"- ông Shoigu nói. Cũng theo lời vị bộ trưởng này, khoảng 700.000 người đang sống tại Aleppo và những người sống ở khu vực phía đông của thành phố này đang bị các nhóm vũ trang bắt làm con tin.
Nga phát động chiến dịch không kích từ ngày 30-9-2015 theo yêu cầu của Tổng thống Assad. Đến tháng 3 năm nay, Moscow rút bớt lực lượng khỏi Syria nhưng vẫn để một số binh sĩ ở lại hỗ trợ Damascus trong các vấn đề quân sự và nhân đạo.
Syria chìm trong cuộc nội chiến đẫm máu từ năm 2011. Chính phủ quốc gia Trung Đông này đang phải đối mặt với sự bành trướng của nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan khét tiếng, bao gồm tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Jabhat al-Nusra (phong trào Mặt trận Al-Nursa).
Bình luận (0)