Sau 10 ngày vắng mặt bí ẩn, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xuất hiện trước công chúng hôm 16-3 tại cuộc hội đàm với Tổng thống Kyrgyzstan Almazbek Atambayev ở TP St. Petersburg.
“Không có tin đồn thật nhàm chán”
Tại cuộc gặp, bình luận về các đồn đoán quanh tình hình sức khỏe của mình thời gian qua, Tổng thống Putin nói đùa: “Cuộc sống mà không có tin đồn thì thật nhàm chán”. Trong khi đó, tổng thống Kyrgyzstan đánh giá ông Putin hoàn toàn khỏe mạnh sau khi kể đích thân tổng thống Nga lái xe đưa ông thăm cung điện Constantine khoảng 20 phút trước cuộc hội đàm.
Website chính thức của Điện Kremlin cho biết tại cuộc hội đàm, 2 bên đã thảo luận các vấn đề then chốt trong việc củng cố hợp tác Nga - Kyrgyzstan, trước hết là thương mại - đầu tư, văn hóa - nhân đạo và năng lượng.
Theo hãng tin RIA Novosti, cuộc hội đàm diễn ra trong bối cảnh Kyrgyzstan gia nhập Liên minh Kinh tế Á - Âu của Nga, Belarus, Kazakhstan và Armenia. Thư ký báo chí của tổng thống Kazakhstan, ông Dauren Abayev, cho biết cuộc gặp tay ba giữa các tổng thống Kazakhstan, Nga và Belarus sẽ diễn ra ngày 20-3 tới ở thủ đô Astana.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) hội đàm với Tổng thống Kyrgyzstan Almazbek Atambayev
ở St. Petersburg ngày 16-3. Ảnh: RIA NOVOSTI
Trước khi sự kiện trên xảy ra, cộng đồng mạng tràn ngập nhiều tin đồn khác nhau về sự vắng mặt khó hiểu của Tổng thống Putin. Người phát ngôn tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, nói ông Putin chỉ đơn giản là làm việc trong khoảng thời gian không xuất hiện trước công chúng. “Tôi đã giải thích hơn 10 lần rồi và không thể nói thêm gì nữa” - ông Peskov nhấn mạnh. Cũng theo ông Peskov, hai nhà lãnh đạo gặp gỡ tại cung điện Constantine vì con gái tổng thống Kyrgyzstan đang học gần đó.
Trước thềm cuộc hội đàm với tổng thống Kyrgyzstan, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo Tổng thống Putin, tổng tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Nga, hạ lệnh kiểm tra đột xuất tính sẵn sàng chiến đấu của Hạm đội Phương Bắc và Quân khu miền Nam cũng như lực lượng nhảy dù kể từ 8 giờ ngày 16-3 (giờ địa phương).
Đồng thời, theo hãng tin RIA Novosti, tư lệnh của các lực lượng vũ trang, các quân chủng, chỉ huy các bộ phận chính và trung tâm của Bộ Quốc phòng Nga đã được trao cho các gói mệnh lệnh trực tiếp.
Nga phô diễn sức mạnh quân sự
Ông Shoigu cho biết 38.000 quân, 3.360 đơn vị kỹ thuật quân sự, 41 tàu chiến, 15 tàu ngầm, 110 máy bay và trực thăng của Hạm đội Phương Bắc sẽ tập trận tại vùng biển của Nga ở Bắc Cực. Theo Reuters, động thái này nhằm vào cuộc tập trận mà Na Uy đang tiến hành ở khu vực Finnmark tiếp giáp vùng đất của Nga ở Bắc Cực.
Thêm vào đó, cơ quan báo chí Quân khu miền Nam cho biết tàu hạt nhân Dagestan thuộc đội tàu Caspian đã ra khơi hôm 16-3 để thực hiện đợt diễn tập trên biển, bảo vệ tàu cũng như bắn tên lửa và pháo trong suốt 10 ngày. Ngoài ra, khoảng 5.000 binh sĩ Nga tham gia các cuộc tập trận khác ở Quân khu miền Đông, trong khi 500 lính diễn tập ở vùng Bắc Caucasus của Chechnya. Những hoạt động này nhằm chống lại các tay súng Hồi giáo trong khu vực.
Như vậy, tổng cộng hơn 45.000 binh sĩ Nga đang đồng loạt tập trận trên khắp cả nước. Reuters đánh giá đây là một trong những lần phô diễn lực lượng hùng hậu nhất của Nga kể từ khi quan hệ giữa Moscow và phương Tây lung lay vì khủng hoảng Ukraine.
RIA Novosti dẫn lời Bộ trưởng Shoigu cho biết các mối đe dọa mới đối với an ninh nước này đã buộc Moscow phải tăng cường năng lực quân sự. Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexei Meshkov tuyên bố việc NATO đẩy mạnh tập trận gần biên giới với Nga chỉ làm cho tình hình khu vực Đông - Bắc châu Âu trở nên bất ổn.
Crimea kỷ niệm 1 năm sáp nhập Nga
Chính quyền Cộng hòa Crimea và TP Sevastopol đã kỷ niệm 1 năm ngày tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Ukraine và sáp nhập Nga hôm 16-3.
Một ngày trước, kênh truyền hình Rossya-1 chiếu phim tài liệu Crimea: Đường về quê hương. Trong đó, Tổng thống Putin kể lại những sự kiện dẫn đến việc Crimea được sáp nhập Nga. Nhà lãnh đạo này đã đề cập chuyện ông cứu cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych và vai trò của Mỹ trong cuộc chính biến ở Ukraine đầu năm 2014. Thậm chí, Tổng thống Putin còn tuyên bố ông đã sẵn sàng đặt lực lượng hạt nhân của Nga vào tình trạng báo động để bảo đảm việc sáp nhập Crimea hồi năm ngoái.
Cùng ngày, Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk kêu gọi quân đội nước này sẵn sàng chiến đấu toàn diện cũng như trang bị các khu vực trú ẩn đề phòng bị tấn công từ trên không.
Bình luận (0)