Lời lẽ công kích trên được đưa ra sau khi máy bay chở Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu không được hạ cánh xuống TP Rotterdam - Hà Lan.
Ông Cavusoglu dự định đến đó để vận động người gốc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ việc thay đổi hiến pháp nhằm trao nhiều quyền hành hơn cho Tổng thống Erdogan. Tuy nhiên, máy bay của ông Cavusoglu không được phép hạ cánh vì lý do an ninh.
Ankara đã triệu tập quan chức ngoại giao của Amsterdam tới để giải thích. Đồng thời, Ngoại trưởng Cavusoglu cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng đối với Hà Lan nếu chuyến thăm của ông bị trì hoãn.
Đáp lại, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhấn mạnh việc Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa trừng phạt làm cho hai nước “không thể tìm kiếm một giải pháp hợp lý để giải quyết vấn đề”.
Song ông Rutte cũng cho biết các quan chức Hà Lan trước đó đã bàn bạc về khả năng tổ chức sự kiện vận động cho cuộc trưng cầu với sự tham gia của ông Cavusoglu theo hướng “riêng tư và quy mô nhỏ hơn” tại lãnh sự quán hoặc đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ.
Thủ tướng Hà Lan cũng bày tỏ sự hối tiếc về diễn biến trên, đồng thời chia sẻ nước này vẫn cam kết đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ.
Vụ lùm xùm nói trên xảy ra chỉ vài ngày trước khi cử tri Hà Lan đi bầu cử. Đài BBC nhận định lãnh đạo Đảng Tự do Hà Lan Geert Wilders - người vận động chống lại chuyến thăm của ông Cavusoglu - dự kiến sẽ được khá nhiều cử tri ủng hộ.
Áo, Đức và Thụy Sĩ trước đó cấm tổ chức các sự kiện vận động tương tự của quan chức Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ mình. Đầu tuần này, cũng vì lý do trên mà Đức bị Tổng thống Erdogan lên án là “hành xử giống như dưới thời Đức Quốc xã”.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn gia tăng quyền lực trong cuộc trưng cầu ý dân dự kiến tổ chức vào ngày 16-4 sắp tới. Ông đang nhắm tới hàng triệu cử tri đủ tiêu chuẩn bỏ phiếu ở nước ngoài, trong đó có 1,4 triệu người ở Đức.
Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước châu Âu đã xấu đi kể từ nỗ lực đảo chính bất thành vào tháng 7 năm ngoái tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đức chỉ trích các vụ bắt bớ và thanh trừng do Ankara phát động khiến gần 100.000 công chức bị sa thải.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng là đối tác chính trong một thỏa thuận hạn chế người di cư vào Liên minh châu Âu (EU). Nhưng Ankara đe doạ “mở cửa” nếu EU không chấp nhận cam kết viện trợ, miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ và thúc đẩy đàm phán để nước này trở thành thành viên EU.
Bình luận (0)