Phát ngôn của ông chủ Nhà Trắng khiến ngờ vực lại bao trùm cuộc gặp lịch sử theo kế hoạch chỉ còn 3 tuần nữa là tới này – được đưa ra khi ông Trump tiếp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Nhà Trắng hôm 22-5.
"Chúng ta sẽ xem điều gì xảy ra" - Tổng thống Trump nói với báo giới
"Có những điều kiện nhất định chúng tôi muốn và tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ đạt được những điều kiện đó, nếu không chúng tôi sẽ không gặp".
Ông Trump tiếp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Nhà Trắng hôm 22-5. Ảnh: Reuters
Vị tổng thống vốn xuất thân từ tỉ phú nói thêm: "Bạn chẳng bao giờ biết về các thỏa thuận. Bạn muốn đi đến những thỏa thuận 100% chắc chắn, điều đó không có đâu. Bạn đi đến những thỏa thuận không có cơ may nào, nó lại thành công, đôi khi thành công dễ dàng".
Ông Trump cũng nói rằng thái độ của ông Kim Jong-un đã thay đổi sau cuộc viếng thăm thứ hai tới Trung Quốc hồi đầu tháng này.
Trước đó, phía Bình Nhưỡng đã tuyên bố có thể hủy cuộc gặp thượng đỉnh nếu Mỹ nhất quyết đòi nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Trump không cho biết điều kiện của Mỹ đặt ra với cuộc gặp lịch sử là gì nhưng khi được một phóng viên hỏi về kho vũ khí của Triều Tiên, ông nói rằng "phải thực thi phi hạt nhân hóa".
Hội nghị thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Kim đã được lên kế hoạch diễn ra vào ngày 12-6 tại Singapore, theo sau hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai quốc gia trên bán đảo Triều Tiên hồi tháng 4.
Triều Tiên cũng có kế hoạch phá hủy bãi thử hạt nhân của mình trong tuần này để tỏ thiện chí nhưng việc phá hủy có thể phải hoãn lại do thời thiết xấu.
Ông Trump nói có thể hoãn gặp ông Kim, tùy vào hành động của Triều Tiên những ngày tới.
Ông Trump lại "lạc nhịp" với ngoại trưởng Mỹ
Trong khi Tổng thống Trump đưa ra những tuyên bố khiến cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên thêm lung lay, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong một cuộc họp báo ngày 22-5 lại thể hiện một lập trường tích cực hơn.
Ông Pompeo nói rằng Mỹ vẫn đang làm việc tiến tới cuộc gặp thượng đỉnh ngày 12-6. Vị ngoại trưởng cũng ca ngợi Trung Quốc đã có những "trợ giúp lịch sử" để gây sức ép lên Triều Tiên.
Trong một diễn biến đáng chú ý khác, những nhân vật đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Nhật Bản đều đến Washington vào ngày 23-5 giữa lúc hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều có nguy cơ đổ vỡ.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đến Mỹ khi đang trên đường về nước sau hội nghị ngoại trưởng G20 tại Argentina. Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đến Washington cùng lúc với ông Vương sau khi Ngoại trưởng Mỹ Pompeo không tham dự hội nghị G20. Ban đầu, ông Kono đã lên kế hoạch gặp người đồng cấp Mỹ bên lề hội nghị để thảo luận về vấn đề Triều Tiên.
Bình luận (0)