Tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 8-4, ông Trump nói: "Chúng tôi sẽ xem xét một cuộc điều tra và chúng tôi sẽ ra quyết định. WHO đã sai theo nhiều cách. Họ cũng đã giảm nhẹ mối đe dọa từ Covid-19". Tuy nhiên, ông Trump không cung cấp chi tiết về cuộc điều tra mà ông nêu ra.
Ông chủ Nhà Trắng cáo buộc WHO hôm 14-1 nói rằng virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) không lây từ người sang người và lên án việc tổ chức này chỉ trích quyết định chặn các chuyến bay từ Trung Quốc của ông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP
Trước đó, Tổng thống Trump cho rằng chính Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus mới là "người chính trị hóa dịch Covid-19". Ông Trump cho rằng WHO "có vẻ nghiêng về phía Trung Quốc và như vậy là không đúng đắn".
Ông đặt câu hỏi vì sao WHO lại "đưa ra lời khuyên sai lầm như vậy", dường như đề cập tới việc WHO ban đầu khuyến cáo không nên hạn chế đi lại quốc tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, bùng phát đầu tiên ở Trung Quốc.
Chính quyền ông Trump đang đối mặt với những chỉ trích vì chậm trễ và sai lầm trong phản ứng với dịch bệnh từ đầu. Ảnh: Reuters
"Thật không thể tin nổi ông ấy nói về chính trị khi xem xét mối quan hệ của họ với Trung Quốc. Mỹ đã cấp 452 triệu USD cho WHO năm ngoái, trong khi Trung Quốc chỉ góp 42 triệu USD và mọi thứ dường như nghiêng về Trung Quốc. Điều đó không đúng, không công bằng với Mỹ và cả với thế giới" – ông Trump nói. Tổng thống Trump cũng ám chỉ rằng số ca tử vong vì Covid-19 trên thế giới sẽ ít hơn nếu WHO "có phân tích chính xác".
Chính quyền Tổng thống Trump ngày 8-4 chỉ trích WHO. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh rằng Washington sẽ xem xét lại việc Mỹ tài trợ cho WHO, nhưng bác bỏ khả năng thay đổi giới lãnh đạo WHO trong lúc này. Trang web của WHO cho thấy Mỹ là nước tài trợ lớn nhất, đóng góp gần 15% ngân sách.
Ngân sách đề xuất của Nhà Trắng cho năm 2021 cắt giảm đáng kể đóng góp của Mỹ cho tổ chức này, từ 122 triệu USD xuống dưới 58 triệu USD, mặc dù quyết định cuối cùng thuộc về Quốc hội.
Đáp lại, ông Tedros bác bỏ cáo buộc của Tổng thống Trump rằng WHO xem Trung Quốc là "trung tâm", khẳng định: "Chúng tôi gần gũi với mọi quốc gia. Chúng tôi không có sự phân biệt đối xử về chủng tộc và quốc tịch".
Tổng giám đốc WHO cho rằng Mỹ và Trung Quốc nên học hình mẫu của Mỹ và Liên Xô trước đây khi phát động chiến dịch toàn cầu 10 năm hồi năm 1967 để xóa sổ bệnh đậu mùa, căn bệnh khiến 2 triệu người tử vong mỗi năm.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus trong một cuộc họp báo về Covid-19 ở Geneva. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, ngày 9-4, Cơ quan Ngoại giao Đài Loan lên án những cáo buộc "vô căn cứ" từ người đứng đầu WHO rằng những đối tượng phản đối ông Tedros đến từ hòn đảo này. Trước đó, các quan chức Đài Loan cho biết WHO đã phớt lờ các cảnh báo của họ về virus corona chủng mới (SARS-CoV-2). Một số người ủng hộ WHO cũng lý giải rằng tổ chức này quyền hạn của tổ chức này đối với các chính phủ rất hạn chế.
Trước bối cảnh căng thẳng giữa các bên, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres ngày 8-4 kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết chống dịch, rằng bây giờ không phải là lúc đánh giá phản ứng toàn cầu đối với dịch Covid-19. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề nghị hỗ trợ đầy đủ cho WHO, khẳng định lần nữa sự tin tưởng vào tổ chức nay.
Bình luận (0)