Tuyên bố được đưa ra tại buổi họp báo ở Vườn hồng Nhà Trắng về tình hình Covid-19. Buổi họp báo bắt đầu muộn hơn gần 30 phút so với dự kiến ban đầu, tức vào lúc 15 giờ ngày 13-3 (giờ Mỹ).
Theo báo The Guardian, sự chậm trễ không làm giảm căng thẳng đang diễn ra trong cộng đồng người Mỹ về các kế hoạch của chính phủ trong nỗ lực chống dịch Covid-19. Ông Trump nói rằng tuyên bố sẽ "mở ra quyền tiếp cận gói cứu trợ 50 tỉ USD", mà theo ông mô tả, "một số tiền lớn cho các bang, vùng lãnh thổ trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh".
Ông Trump nói rằng động thái này sẽ từ bỏ một số yêu cầu khác nhằm mang lại lợi ích cho các bác sĩ và chống lại đại dịch. Ngoài ra, ông Trump kêu gọi các quốc gia ngay lập tức thành lập các trung tâm ứng phó khẩn cấp. Vào đầu tuần tới, chính quyền Mỹ dự kiến có thể thực hiện nửa triệu xét nghiệm bổ sung. "Mục tiêu quan trọng nhất của chúng tôi là ngăn chặn sự lây lan của virus" – ông Trump nhấn mạnh.
Ông Trump phát biểu buổi họp báo về tình hình Covid-19 ngày 13-3. Ảnh: CNN
Tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc dựa trên Đạo luật về Ứng phó Thảm họa và Hỗ trợ Khẩn cấp Robert T. Stafford (Đạo luật Stafford năm 1988), qua đó cho phép chính quyền liên bang hỗ trợ nhiều hơn cho các bang và thành phố trực thuộc.
Việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép chính phủ Mỹ huy động thêm nguồn lực để ứng phó dịch Covid-19. Đây sẽ là bước ngoặt đối với Tổng thống Trump khi trước kia ông nhiều lần so sánh chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) với cúm mùa và khẳng định dịch bệnh vẫn trong khả năng kiểm soát.
Áp lực gia tăng buộc ông chủ Nhà Trắng phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp để Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang (FEMA) giải ngân, cung cấp các quỹ hỗ trợ thảm họa cho chính quyền các bang. Nhiều thượng nghị sĩ Mỹ thời gian qua kêu gọi ông Trump sử dụng Đạo luật Stafford để giải phóng hơn 42 tỉ USD hỗ trợ các bang từ Quỹ Cứu trợ Thảm họa.
Nhân viên nhà ga tàu điện ngầm ở Broadway, TP New York, lau chùi thanh chắn tại chốt soát vé dành cho hành khách. Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin Reuters, quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp hiếm khi được các tổng thống Mỹ sử dụng. Hồi năm 2000, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Bill Clinton đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tương tự đối với virus West Nile (Virus Tây sông Nile) bùng phát ở TP New York và bang New Jersey.
Nhân viên an ninh tại sân bay quốc tế Dulles bang Virginia - Mỹ. Ảnh: REUTERS
Mấy ngày vừa qua, một số bang như New York, Washington đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Bang Louisiana quyết định dời các cuộc bầu cử sơ bộ đối với các ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ và Cộng hòa từ ngày 4-4 sang 20-6 và ngày 25-7.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ngày 13-3 cho biết New York hiện có ít nhất 421 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, tăng cao so với con số 96 trường hợp kể từ lần cập nhật gần nhất. Trong khi một quan chức y tế hàng đầu bang Ohio ước tính hơn 100.000 người dân nhiễm virus, một con số cao đáng kinh ngạc khi khả năng xét nghiệm có hạn.
Theo trang worldometers, tính đến hết ngày 13-3, Mỹ ghi nhận thêm 295 ca nhiễm, nâng tổng ca nhiễm lên 1.992 ca. Số ca tử vong là 41.
Bình luận (0)