Tối 30-4 (giờ địa phương), Tổng thư ký GCC Abdulla Al-Zayani đã rời thủ đô Sanaa của Yemen mà không có chữ ký của ông Saleh trong kế hoạch giải quyết khủng hoảng do GCC đề xuất.
Phe đối lập tuyên bố biểu tình cho đến khi ông Saleh ra đi. Trong ảnh là đám đông biểu tình ở Taiz... Ảnh: Reuters
...và ở thành phố Ibb ở miền nam. Ảnh: Reuters
Trước đó, cũng trong ngày 30-4, ông Saleh từ chối ký thỏa thuận với vai trò tổng thống mà muốn để đại diện chính thức của đảng cầm quyền phê chuẩn vì thoả thuận này, theo ông, là giữa các chính đảng với nhau.
Ông Saleh hứa hẹn sẽ ký phê chuẩn văn bản trên sau khi đại diện của đảng cầm quyền và phe đối lập cùng đặt bút ký tại Riyadh (Ả Rập Saudi), dự kiến vào ngày 2-5. Ngoài ra, ông Saleh còn ra điều kiện quan chức của Qatar không được có mặt tại Riyadh.
Đáp lại quyết định bất ngờ của ông Saleh, phe đối lập tại Yemen - Liên minh Diễn đàn Chung (JMP) - tuyên bố sẽ không cử đại diện tới Riyadh nếu ông Saleh không chịu ký vào thỏa thuận với tư cách tổng thống. Tuy vậy, JMP vẫn hy vọng các nước vùng Vịnh sẽ thuyết phục được ông Saleh.
Người ủng hộ ông Saleh cũng tuần hành tại thủ đô Sanaa. Ảnh: Reuters
Theo kế hoạch, JMP sẽ thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc trong vòng 7 ngày sau khi ký kết thỏa thuận hòa bình do GCC làm trung gian. Còn Tổng thống Saleh có 30 ngày để tuyên bố từ chức sau 33 năm cầm quyền.
Sau đó, chính phủ mới tiến hành bầu cử tổng thống và quốc hội trong 60 ngày. Nếu phải từ chức, ông Saleh sẽ là nhà lãnh đạo thứ ba trong khu vực bị các cuộc biểu tình lật đổ, sau cựu Tổng thống Tunisia Ben Ali và cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak.
Trong ba tháng qua, đất nước Yemen bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình chống chính phủ do phe đối lập phát động, cướp đi sinh mạng của 145 người và hàng trăm người bị thương. Mỹ lo ngại tình hình bất ổn càng kéo dài thì mạng lưới Al Qaeda tại Yemen càng có cơ hội bùng phát hoạt động.
Bình luận (0)