Đối tượng dính phải “võ miệng” của ông Mugabe là Johnnie Carson, trợ lý cho Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Phi. Theo ông Mugabe, ông Carson muốn “dạy dỗ” Zimbabwe về những gì được làm và không được làm.
Cả hai ông đã nói chuyện với nhau bên lề cuộc họp của Liên hiệp Châu Phi hồi tuần trước ở Lybia. Phía Mỹ tỏ ra hoài nghi về chính phủ chia sẻ quyền lực giữa ông Mugabe và các đối thủ chính trị.
Ông Mugabe nói chuyện với ông Carson tại Lybia (Ảnh: AP)
Sau đó, tổng thống Mugabe nói với tờ The Herald (Zimbabwe) rằng cuộc nói chuyện với ông Carson là cuộc gặp đầu tiên với một quan chức chính phủ Mỹ sau nhiều năm nhưng chẳng đưa đến kết quả gì.
"Chắc chắn tôi sẽ không thèm nói chuyện với một thằng ngu như thế. Tôi hết sức giận dữ với ông ta. Ông ta nghĩ rằng có thể bắt Zimbabwe làm theo ý mình sao? Ông ta tưởng mình là ai cơ chứ?”, ông Mugabe giận dữ.
Ông Mugabe cũng khẳng định Zimbabwe đang có sự hỗ trợ của Cộng đồng Phát triển Nam Phi (SADC). “Tôi hy vọng ông ta không nói năng kiểu đó với Obama. Và tôi đã nói thẳng ông ta là sự ô nhục lớn cho người Mỹ gốc Phi”.
Đây không phải là lần đầu tổng thống Mugabe nặng lời với các đại sứ Mỹ. Hồi tháng 5-2008, ông Mugabe mô tả người tiền nhiệm của ông Carson – bà Jendayi Frazer, cũng là một người Mỹ gốc Phi – là “một con bé người Mỹ đi vòng vòng thế giới như một… con điếm” sau khi bà này đề nghị Phong trào Đổi thay dân chủ đối lập khi ấy giành thắng lợi trong cuộc bần cử tổng thống gây tranh cãi.
Đại sứ Mỹ Johnnie Carson (Ảnh: AFP)
Trong khi đó, Thủ tướng Zimbabwe Morgan Tsvangirai đã ngỏ lời xin lỗi ông Mugabe về chuyện các bộ trưởng thuộc đảng ông tẩy chay cuộc họp nội các hôm 6-7. Các bộ trưởng này đã bỏ họp để ra sân bay Harare đón ông Tsvangirai trở về sau chuyến đi châu Âu và Mỹ vận động tài trợ.
Lần này, ông Tsvangirai chỉ vận động được 200 triệu USD, không thấm vào đâu so với khoản 7 tỉ USD cần có để hồi sinh nền kinh tế Zimbabwe. Trong số 200 triệu USD, Tổng thống Mỹ Obama đồng ý chi 73 triệu USD nhưng kèm theo lời nhắc nhở: “Số tiền này sẽ không được rót thẳng vào chính phủ vì chúng tôi vẫn lo ngại về tình hình mất dân chủ, nhân quyền và pháp luật ở Zimbabwe”.
Bình luận (0)