Đây là bước đi mới nhất trong một loạt các hoạt động thời gian qua của phía Trung Quốc, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Theo mạng Tin tức Trung Quốc, hội nghị trên sau một ngày làm việc đã bầu một nhân vật tên là Phù Giang, 56 tuổi, Phó Tham mưu trưởng Quân khu tỉnh Hải Nam, làm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân đầu tiên và Tiêu Kiệt làm thị trưởng đầu tiên của “thành phố Tam Sa.”
Cuộc họp phi pháp của ""HĐND TP Tam Sa" và các nhân vật Tiêu Kiệt (ảnh trái), Phù Tráng (phải)
Ảnh: Chinanews.com/CRI
Các nhân vật khác là Trương Canh, Trương Quân và Phùng Văn Hải cũng đã được bầu vào chức phó thị trưởng của thành phố này.
Hai vị trí Chánh án Tòa án Nhân dân và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân “thành phố Tam Sa” lần lượt giao cho La Nghị Cương và Trần Á Xuân đảm nhiệm.
Chủ tịch “thành phố Tam Sa” Tiêu Kiệt, người Hán, sinh năm 1960, quê gốc tại Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông. Người này hiện là Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Hải Nam.
Trước đó, các cơ quan truyền thông Trung Quốc cho biết cử tri thuộc 15 khu vực bầu cử tại các quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), Trung Sa và Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) đã đi bỏ phiếu bầu ra 45 đại biểu Hội đồng Nhân dân Khóa I của cái gọi là "Thành phố Tam Sa" do chính phủ Trung Quốc thành lập trái phép.
Giới chức quân sự Trung Quốc cũng đã phê chuẩn việc thành lập và triển khai một đơn vị đồn trú tại cái gọi là "thành phố Tam Sa."
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ những bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Mới đây nhất, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã lên tiếng phản đối quyết định sai trái và phi pháp của phía Trung Quốc khi thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa," làm tổn hại quan hệ hai nước, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Báo Indonesia: TQ gia tăng căng thẳng ở Biển Đông
Tờ Bưu điện Jakarta ngày 23-7 dẫn tin của Reuters từ Bắc Kinh cho biết Quân ủy Trung ương Trung Quốc vừa phê chuẩn việc chính thức thành lập một đơn vị quân sự đồn trú đóng tại cái gọi là “thành phố Tam Sa,” phụ trách vùng Biển Đông đang có tranh chấp - một động thái sẽ làm gia tăng căng thẳng tại khu vực vốn đang trong tình trạng “nước sôi lửa bỏng” này.
Theo bài viết, Trung Quốc có sự hiện diện quân sự hùng hậu tại Biển Đông và động thái này về bản chất là một bước leo thang tham vọng khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh, sau khi giới chức nước này vào tháng trước đã nâng cấp một đơn vị hành chính lên cấp “thành phố” mà Trung Quốc gọi là “Thành phố Tam Sa” trên đảo Vĩnh Hưng (tên tiếng Anh là Woody, Việt Nam gọi là đảo Phú Lâm), thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Mặc dù số người sinh sống thường xuyên tại cái gọi là “Thành phố Tam Sa” chỉ khoảng vài ngàn, phần lớn là ngư dân, nhưng phạm vi phụ trách của “đơn vị hành chính” này bao gồm cả những vùng lãnh hải rộng lớn trên Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Bài viết bình luận, Biển Đông đã trở thành điểm nóng có khả năng bùng nổ xung đột quân sự lớn nhất châu Á, do những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên vùng biển rộng lớn đã đưa nước này vào thế đối đầu với Việt Nam và Philippines. |
Bình luận (0)