Động thái này nhằm đáp lại biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU), nhóm 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới (G7) và Úc có hiệu lực vào đầu tháng này. Sắc lệnh của tổng thống cấm cung cấp dầu và các sản phẩm dầu từ Nga cho các quốc gia áp giá trần trong hợp đồng của họ.
Theo quy định trong sắc lệnh, lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 1-2-2023 đến ngày 1-7-2023. Thời điểm áp dụng với các sản phẩm từ dầu sẽ do chính phủ Nga quyết định sau. Sắc lệnh còn một điều khoản cho phép Tổng thống Putin hủy lệnh cấm trong trường hợp đặc biệt.
Tổng thống Vladimir Putin. Ảnh: Reuters
Bộ Năng lượng Nga sẽ giám sát việc tuân thủ sắc lệnh của tổng thống về các biện pháp trả đũa.
Trước đó, mức giá trần của nhóm G7 áp lên dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga có hiệu lực từ ngày 5-12. Điện Kremlin tuyên bố sẽ đáp trả biện pháp này, cảnh báo rằng họ sẽ không giao dịch với các quốc gia ủng hộ mức giá trần.
Theo đài RT, Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak cho biết nhu cầu dầu mỏ của Nga vẫn cao bất chấp lệnh trừng phạt mới đối với hoạt động xuất khẩu dầu của nước này. Phó Thủ tướng Nga cho rằng bằng cách áp đặt trần giá, các nước phương Tây sẽ chỉ gây ra lạm phát năng lượng hơn nữa do nguồn cung khan hiếm, đồng thời nói thêm rằng Nga xem các kiểu cơ chế phi thị trường như vậy là không thể chấp nhận được.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov hôm 27-12 cho rằng quan hệ giữa Moscow và Brussels hiện ở "mức thấp nhất". Theo hãng thông tấn TASS, Bộ trưởng Lavrov nói thêm rằng EU đã tuyên bố một "cuộc chiến hỗn hợp" (hay còn gọi là "Chiến tranh lai" kết hợp các hành động quân sự và phi quân sự, bao gồm chiến dịch thông tin sai lệch) với Moscow bằng cách nối gót Mỹ một cách không nghi ngờ.
Ông Lavrov cho rằng các chính sách của Brussels chỉ làm tổn hại đến lợi ích và hạnh phúc của chính công dân EU. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cũng cáo buộc Washington ngăn cản các quốc gia EU tiến hành đối thoại về năng lượng với Moscow dù nguồn cung cấp nhiên liệu của Nga đã mang lại cho châu Âu "sự thịnh vượng chưa từng có" trong nhiều thập kỷ.
Ông Lavrov cảnh báo Nga sẽ "không còn làm ăn như bình thường" với các đối tác áp đặt lệnh trừng phạt lên năng lượng Nga, đồng thời cho biết thêm Moscow không có ý định "năn nỉ vô ích" vì nước này có thể tìm các quốc gia hợp tác bên ngoài châu Âu.
Tuy nhiên, nhà ngoại giao này cũng nhấn mạnh: "Chúng tôi là những người thực tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với một số ít nước châu Âu trân trọng tình hữu nghị với Nga. Chúng tôi sẽ không hợp tác với những ai theo chủ nghĩa bài Nga".
Bình luận (0)