Nổi tiếng từ sau bộ phim "The Beach" (do tài tử Leonardo DiCaprio đóng chính vào năm 2000), vịnh Maya đã đóng cửa tạm thời từ tháng 6 và dự kiến kéo dài trong 4 tháng. Bãi biển nơi đây bị xói mòn và ô nhiễm nặng khi phải đón tới 5.000 du khách và 200 tàu mỗi ngày.
Cuộc khảo sát diễn ra trong giai đoạn cấm tạm thời cho thấy quá trình khôi phục bãi biển trong thời gian ngắn không đạt hiệu quả và mức độ thiệt hại nặng nề hơn so với tính toán ban đầu.
Ông Songtam Suksawang, Giám đốc Văn phòng Công viên quốc gia, hôm 3-10 cho biết: "Chúng tôi đã kiểm tra mỗi tháng và phát hiện hệ thống sinh thái bị phá hủy nghiêm trọng. Rất khó để phục hồi vì bãi biển cũng như các loài thực vật bị phá hủy hoàn toàn".
Biết rõ vịnh Maya bị tàn phá nhưng mức doanh thu 400 triệu baht/năm từ bãi biển này khiến giới chức Thái chần chừ. Nhưng đến ngày 1-10, Cơ quan Bảo tồn Công viên quốc gia, Động vật hoang dã và Thực vật tại Thái Lan tuyên bố đóng cửa bãi biển vịnh Maya vô thời hạn cho tới khi hệ sinh thái tại đây khôi phục hoàn toàn.
Theo báo The Guardian (Anh), do ô nhiễm từ rác thải, tàu thuyền và kem chống nắng, ước tính hơn 80% san hô quanh vịnh Maya bị chết. Các nhà vận động môi trường ở địa phương cho biết san hô chỉ phát triển 0,5 cm/năm nên theo ông Worapoj Lomlim, người đứng đầu cơ quan quản lý vịnh Maya, cơ quan chức năng đã trồng hơn 1.000 san hô mới và sẽ tiếp tục mở rộng dự án này.
Thái Lan sẽ đóng cửa vô thời hạn vịnh Maya để phục hồi hệ sinh thái. Ảnh: AP
Cũng như Thái Lan, Indonesia phải ban bố tình trạng "khẩn cấp rác thải" dọc hòn đảo nghỉ dưỡng Bali hồi năm ngoái.
Còn tại Philippines, hôm 3-10, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Sherwin Rigo thông báo nước này dự kiến giới hạn lượng du khách được đến Boracay mỗi ngày sau khi hòn đảo nghỉ dưỡng mở cửa lại vào ngày 26-10.
Bất chấp việc thu hút gần 2 triệu lượt khách vào năm ngoái, Tổng thống Rodrigo Duterte hồi tháng 4 ra lệnh đóng cửa hòn đảo du lịch "ô nhiễm" này vì nước thải đổ ra biển và các tòa nhà được xây dựng quá gần bờ biển.
Ông Rigor cho hãng tin Reuters hay sắp tới, chỉ 19.000 du khách được phép đến đảo mỗi ngày và số nhân viên làm việc tại đây vào khoảng 15.000 người/ngày.
Không chỉ vậy, chỉ một nửa trong số 12.000 phòng khách sạn hiện có trên đảo được phép mở cửa mỗi ngày, đồng thời hoạt động tiệc tùng, ăn uống, hút thuốc ở bãi biển đều bị cấm.
Việc đóng cửa Boracay, nơi thu về hơn 1 tỉ USD/năm cho Philippines, đã gây thiệt hại GDP nước này trong quý II/2018.
Bình luận (0)