Một thập kỷ sau khi kết thúc chiến tranh Thế giới thứ hai, máy bay chiến đấu Mỹ vẫn tuần tra để bảo vệ TP Los Angeles. Một sự cố đã xảy ra vào ngày 16-8-1956.
Lúc đó vào khoảng 11 giờ 34 phút, một chiếc Grumman F6F Hellcat được cải tạo thành UAV xuất phát từ căn cứ ở bang California. Chiếc máy bay sơn màu đỏ tươi, dùng làm mục tiêu trong một cuộc thử nghiệm tên lửa.
Theo kế hoạch, chiếc Hellcat sẽ bay với tốc độ chậm trên Thái Bình Dương trước khi bị phá hủy. Tuy nhiên, nó đã không "nghe" lệnh từ bộ chỉ huy từ xa, tự động đổi sang hướng Đông Nam và bay về phía TP Los Angeles đông đúc.
Căn cứ không quân Oxnard gần đó lập tức được báo động. Tại căn cứ này có sẵn phi công trực chiến cho trường hợp có máy bay Nga ném bom. Hai máy bay chiến đấu F-89D Scorpions nhanh chóng đuổi theo chiếc Hellcat. Khi chúng bắt kịp, chiếc UAV đã vượt qua không phận Los Angeles, bay vào khu vực ít dân cư sinh sống.
Các phi công máy bay truy đuổi lập tức chớp lấy cơ hội, nhấn nút khai hỏa rốc-két Mighty Mouse để tiêu diệt mục tiêu. Loại rốc-két này không có dẫn đường, trang bị đầu đạn có khả năng hạ gục một chiếc UAV to lớn như Hellcat. Nhưng không may mắn là hệ thống tự động phóng rốc-két bất ngờ ngưng hoạt động, buộc các phi công chuyển sang chế độ chỉnh tay.
Vào lúc dầu sôi lửa bỏng, chiếc UAV một lần nữa chuyển hướng ngược về TP Los Angeles. Tình hình trở nên cấp bách. Các phi công bắn liên tục 2 lượt, mỗi lượt 42 rốc-két, nhưng không trúng và chiếc UAV tiến gần thị trấn Newhall. Họ bắn tiếp lượt 3, cũng với 42 quả rốc-két. Trượt tiếp!
Cuối cùng, khi chiếc Hellcat hướng về TP Palmdale, mỗi chiếc máy bay truy đuổi bắn thêm lượt nữa, lần này là 30 quả rốc-két/đợt. Đây là cơ hội cuối cùng của họ nhưng vẫn công cốc. Tổng cộng 208 quả rốc-két đã rời bệ phóng mà không thu được kết quả nào.
Trận không chiến chỉ kết thúc khi chiếc Hellcat hết nhiên liệu và rơi cách TP Palmdale khoảng 12 km, cắt đứt dây điện và rơi xuống mặt đất. May mắn là không có ai bị thương hoặc thiệt mạng. Tuy nhiên, những quả rốc-két của không quân Mỹ đã gây hỏa hoạn trên một khu vực rộng 140 ha gần thị trấn Newhall. Hàng trăm lính cứu hỏa được huy động để dập tắt đám cháy.
Trong khi đó, nhiều mảnh rốc-két xuyên thủng cửa sổ nhà dân. Một thiếu niên lái xe ở Palmdale bị mảnh vỡ xuyên qua kính chắn gió nhưng may không hế hấn gì.
Năm 1997, nhà khảo cổ học hàng không Peter Merlin cùng điều tra viên Tony Moore đã tìm đến hiện trường vụ rơi máy bay Hellcat. Ông cho biết vẫn còn lại những vết cắt trên đường dây điện sau khi sửa chữa.
Nhưng tại sao các chiến đấu cơ không bắn hạ được chiếc UAV "nổi loạn" đó, nhất là sau quá nhiều lượt bắn? Ông Doug Barrie, thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) của Anh, lý giải: "Hai phương tiện đang di chuyển phóng rốc-két không dẫn đường vào một phương tiện khác cũng chuyển động. Đây là điều không dễ dàng và độ khó càng tăng lên sau mỗi lần bắn trượt".
Sau này, không quân Mỹ nhận ra bắn một mục tiêu nhỏ khó hơn nhiều so với bắn một chiếc máy bay ném bom của kẻ thù. Cũng sau này, các vũ khí và phương tiện điều khiển từ xa đều được trang bị cơ chế tự phá hủy khi có sự cố.
Máy bay có người lái vẫn "trở chứng"
Hồi năm 2009, không quân Mỹ cũng từng bắn hạ một chiếc máy bay không người lái Reaper khi nó gần bay vào không phận Afghanistan.
Một số trường hợp máy bay có người lái vẫn gặp sự cố không mong muốn. Năm 1970, một chiếc Convair F-106 xoay tròn và lao xuống đất ở bang Montana - Mỹ, khiến phi công phải thoát ra ngoài. Máy bay sau đó hạ cánh an toàn trên một cánh đồng đầy tuyết.
Một trường hợp kịch tính hơn xảy ra vào năm 1989. Phi công chiếc MiG-23 của Liên Xô cũng phải đẩy ghế nhảy dù xuống đất sau khi máy bay dường như bị mất điện trong không phận Ba Lan. Nó tiếp tục bay về phía Tây nhờ chế độ lái tự động.
Chiếc máy bay bay tiếp qua Đông rồi Tây Đức. Không quân Mỹ tại Hà Lan định bắn hạ nó trên biển Bắc nhưng chưa kịp tiếp cận thì máy bay hết nhiên liệu, rơi vào một ngôi nhà và giết chết một thiếu niên người Bỉ.
"Công nghệ là có thể xảy ra sai sót" - ông Barrie đúc kết.
Bình luận (0)