Chiếc máy bay Boeing 737-800 khởi hành từ sân bay quốc tế ở Tehran - Iran đến thủ đô Kiev - Ukraine rơi ngay sau khi cất cánh hôm 8-1 khiến toàn bộ 176 người trên chuyến bay thiệt mạng, theo kênh truyền hình Press TV (Iran).
Ông Ali Khashani, quan chức về quan hệ công chúng cấp cao tại sân bay Imam Khomeini ở thủ đô Iran, cho hay máy bay gặp nạn chở theo 167 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn. Đây là vụ rơi máy bay đầu tiên trong lịch sử của UIA. Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Vadym Prystaiko cho hay nạn nhân trên chuyến bay đến từ nhiều quốc gia, gồm: Iran (82 người), Canada (63 người), Ukraine (11 người, gồm 9 thành viên phi hành đoàn), Thụy Điển (10 người), Afghanistan (4 người), Đức (3 người) và Anh (3 người).
Theo đài IRIB (Iran), lực lượng cứu hộ Iran đã tìm thấy một trong 2 hộp đen của chiếc máy bay "xấu số". Cơ quan thông tấn Mehr (Iran) dẫn lời người đứng đầu Cơ quan Hàng không dân dụng Iran Ali Abedzadeh khẳng định sẽ không giao hộp đen cho bất kỳ nước nào phân tích dữ liệu.
Theo tờ Telegraph (Anh), Đại sứ quán Ukraine tại Tehran nhấn mạnh: "Ủy ban điều tra đang xác định nguyên nhân rơi máy bay. Bất kỳ tuyên bố nào liên quan đến vụ tai nạn trước khi có kết quả điều tra đều không chính thức". Tuyên bố trên được đưa ra sau khi thông tin về khả năng khủng bố hoặc tấn công tên lửa được xem là nguyên nhân đã bị Đại sứ quán Ukraine gỡ bỏ.
Hãng thông tấn ISNA (Iran) trước đó đưa tin vụ rơi máy bay do lỗi kỹ thuật. Theo đài CNN, Cơ quan Hàng không dân dụng Iran đang tiến hành điều tra vụ việc. Ngay khi hay tin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rút ngắn chuyến thăm Oman và trở về Kiev xử lý vụ việc. Lãnh đạo Ukraine đã gửi lời chia buồn đến gia đình của các nạn nhân trên chuyến bay mang số hiệu PS752.
Ông Pirhossein Koulivand, người đứng đầu Cơ quan Khẩn cấp Iran, cho hay các lực lượng cứu hộ được triển khai đến hiện trường nhưng hoạt động hỗ trợ bị hạn chế vì khu vực này bốc cháy. Ông Koulivand nói với kênh IRINN (Iran) rằng chiếc máy bay rơi ở khu vực giữa TP Parand và Shahriar. "Đám cháy lớn đến nỗi không thể thực hiện bất kỳ hoạt động giải cứu nào. Chúng tôi có 22 xe cứu thương, 4 xe buýt cứu thương và một máy bay trực thăng tại hiện trường" - ông Koulivand nói.
Lực lượng tìm kiếm cứu hộ làm việc tại hiện trường rơi máy bay của hãng hàng không Ukraine ở Iran hôm 8-1 Ảnh: Anadolu Agency
Truyền thông Iran dẫn lời một quan chức hàng không nước này cho hay phi công chuyến bay PS752 đã không thông báo tình trạng khẩn cấp. Trang web theo dõi các chuyến bay FlightRadar 24 cho biết chiếc máy bay gặp nạn đã hoạt động khoảng 3 năm rưỡi và rơi ngay sau khi cất cánh khoảng 2 phút. Chiếc máy bay đạt độ cao khoảng 2.408 m với vận tốc 483 km/giờ thì bất ngờ biến mất khỏi màn hình radar.
Hãng Boeing thông báo đã biết về vụ việc và đang thu thập thông tin. Trong khi đó, đại diện Hãng hàng không Ukraine cho biết chiếc Boeing 737 được sản xuất vào năm 2016 và vừa được kiểm tra 2 ngày trước khi xảy ra tai nạn. Đây là một trong những chiếc máy bay tốt nhất của UIA và các phi công đều có nhiều năm kinh nghiệm. Bác bỏ kịch bản lỗi động cơ, Chủ tịch UIA Yevgeny Dykhne nói trong cuộc họp báo: "Chiếc máy bay đã trong tình trạng tốt (trước khi gặp nạn). Chúng tôi bảo đảm khả năng phục vụ của máy bay và chuyên môn của phi hành đoàn".
Vụ việc diễn ra giữa lúc Boeing chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng liên quan đến 2 vụ rơi máy bay Boeing 737 Max hồi tháng 10-2018 và tháng 3-2019 khiến gần 350 người thiệt mạng. Thảm kịch rơi máy bay khiến dòng máy bay này bị đình chỉ bay 10 tháng qua trên toàn cầu. Hiện Boeing vẫn điều chỉnh lỗi hệ thống điều khiển bay của dòng 737 Max sau 2 sự cố rơi máy bay. Tuy đều là phiên bản của Boeing 737 thân hẹp nhưng chiếc máy bay gặp nạn hôm 8-1 không sử dụng hệ thống an toàn bay giống với Boeing 737 Max. Theo hãng tin AP, thế giới từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn máy bay liên quan đến dòng máy bay 737-800. Hồi tháng 3-2016, một chiếc 737-800 của hãng FlyDubai khởi hành từ Dubai đã bị rơi trong lúc hạ cách xuống sân bay Rostov-on-Don ở Nga làm 62 người thiệt mạng. Vào tháng 5-2010, một chiếc 737-800 khác của hãng Air India Express khởi hành từ Dubai cũng bị rơi khi hạ cánh ở Mangalore - Ấn Độ khiến hơn 150 người thiệt mạng.
Tránh "điểm nóng" Trung Đông
Một số hãng hàng không lớn trên thế giới hôm 8-1 điều chỉnh đường bay nhằm tránh không phận trên lãnh thổ Iraq và Iran sau khi Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cấm các hãng hàng không Mỹ hoạt động trong khu vực sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran nhằm vào lực lượng Mỹ ở Iraq. Hãng tin Reuters đưa tin FAA thông báo cấm các hãng hàng không Mỹ hoạt động trên không phận Iraq, Iran, vịnh Oman và các vùng biển giữa Iran và Ả Rập Saudi sau khi Iran phóng hàng loạt tên lửa vào các căn cứ có binh sĩ Mỹ đồn trú tại Iraq. Theo FAA, lệnh cấm được ban hành do các hoạt động quân sự leo thang và căng thẳng chính trị gia tăng ở Trung Đông gây rủi ro vô ý cho các hoạt động hàng không dân dụng của Mỹ.
Dù không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lệnh cấm của FAA, một số hãng hàng không quốc tế cũng đang cân nhắc khuyến cáo của Mỹ. Hãng hàng không Air Canada (Canada), Singapore Airlines (Singapore), Malaysia Airlines (Malaysia), Qantas Airways (Úc), Emirates Airlines (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất)... đã thông báo điều chỉnh đường bay tránh không phận trên Iraq và Iran. Trong khi đó, các nước như Nga và Trung Quốc đã hoãn tất cả chuyến bay qua đây.
Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đã triển khai một nhóm điều phối quốc tế để hỗ trợ liên lạc và phối hợp hiệu quả giữa các hãng hàng không cũng như chính phủ các nước trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại Trung Đông sau cuộc không kích của Mỹ sát hại Thiếu tướng Iran Qassem Soleimani. Một nhóm điều phối do IATA và Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) điều hành cũng được kích hoạt như một biện pháp mang tính chất "phòng ngừa tiêu chuẩn". Nhóm này sẽ kết nối các hãng hàng không, cơ quan quản lý và nhà cung cấp dịch vụ để thúc đẩy chia sẻ các rủi ro nhanh nhất có thể.
Bình luận (0)