Trong lúc nguyên nhân vụ rơi máy bay A321 của hãng hàng không Kogalymavia (Metrojet - Nga) ở bán đảo Sinai - Ai Cập vẫn còn là dấu hỏi lớn thì một số nước bắt đầu ngưng các chuyến bay đến khu nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh, nơi máy bay này cất cánh trước khi gặp nạn.
Khủng bố: Giả thuyết hàng đầu
Lo ngại khả năng máy bay Nga đã bị cài bom, Anh và Ireland đã quyết định ngưng các chuyến bay giữa nước mình với Sharm el-Sheikh. “Chúng tôi cho rằng có khả năng đáng kể chiếc máy bay rơi do một thiết bị nổ trên khoang” - Ngoại trưởng Anh Philip Hammond phát biểu ngày 5-11, đồng thời cho biết đang tìm cách thu xếp các chuyến bay đặc biệt để đưa khoảng 20.000 du khách Anh tại Sharm el-Sheikh về nước càng sớm càng tốt.
Quyết định trên được đưa ra sau khi các chuyên gia Anh đến xem xét hệ thống an ninh của sân bay Sharm el-Sheikh và kết luận những biện pháp đang được áp dụng là chưa đủ.
Nhà chức trách Hà Lan cũng quyết định ngưng mọi chuyến bay của các hãng hàng không nước này đến Sharm el-Sheikh và ngược lại, đồng thời tránh bay qua không phận bán đảo Sinai ít nhất đến ngày 8-11. Ngoài ra, Hà Lan và Đức khuyến cáo người dân không đến Sharm el-Sheikh cho tới khi thảm kịch nêu trên được làm sáng tỏ. Trong một diễn biến khác, Kogalymavia cho biết sẽ ngưng hoạt động của mọi máy bay Airbus A321 để kiểm tra thêm.
Theo đài CNN, vấn đề an ninh tại sân bay Sharm el-Sheikh bị đưa vào tầm ngắm sau khi đánh giá ban đầu của tình báo Mỹ xem khủng bố là giả thuyết hàng đầu và có liên quan đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hoặc những nhóm ủng hộ chúng. Theo họ, có ai đó cài bom trên máy bay trước khi nó cất cánh và hành động này có thể nhận được sự giúp đỡ từ “người nhà”. Một trong những khả năng đang được xem xét là có người làm việc trong sân bay nhận hối lộ để đưa quả bom lên máy bay.
Sân bay Sharm el-Sheikh tiếp nhận khoảng 160 chuyến bay mỗi ngày và một số người đánh giá an ninh ở đây không được nghiêm ngặt. Trùng hợp là ông Abdel-Wahab Ali, Giám đốc sân bay Sharm el-Sheikh, bị thay thế hôm 4-11 dù giới chức Ai Cập khẳng định điều này không liên quan gì đến nghi vấn nêu trên.
Chưa có bằng chứng xác thực
Việc phân tích dữ liệu từ 2 hộp đen hiện gặp chút trở ngại khi các nhà điều tra Nga và Ai Cập hôm 4-11 cho biết thiết bị ghi âm giọng nói trong buồng lái bị hỏng đáng kể. Trái lại, dữ liệu từ thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay đã được sao chép thành công và chuyển giao cho các nhà điều tra.
Ngoài ra, ông Alexander Neradko, Giám đốc Cơ quan Hàng không Liên bang Nga (Rosaviatsia), cho biết nhóm điều tra sẽ tìm hiểu xem liệu có vật liệu nổ nào trên khoang máy bay hay không và sẽ mất vài tháng để họ đi đến những kết luận đầu tiên về vụ việc. Để có thể kết luận có bom trên máy bay hay không, điều tra viên phải kiểm tra rất chi tiết các mảnh vỡ và đất cát ở hiện trường nhằm tìm kiếm dấu vết thuốc nổ.
Chuyên gia hàng không quân sự Douglas Barrie thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (Anh) nhận định với hãng tin AP rằng vẫn còn quá sớm để chắc chắn về nguyên nhân dù sự nghi ngờ ngày càng nghiêng về giả thuyết một thiết bị nổ đã được kích hoạt. Trang tin Daily Beast cũng lưu ý cho đến giờ, chưa có bằng chứng xác thực nào được trưng ra, ngoài thông báo từ nhà chức trách Anh hoặc thông tin tình báo từ những nguồn giấu tên của Mỹ. Hơn nữa, cái gọi là thông tin tình báo được tung ra để củng cố giả thuyết nổ bom đến nay chỉ mang bản chất kỹ thuật, như: trao đổi giữa các nhóm khủng bố bị nghe trộm, luồng sáng nhiệt được vệ tinh do thám Mỹ ghi nhận vào thời điểm máy bay rơi… Ngoài ra, dữ liệu từ hộp đen sẽ có rất ít giá trị trong trường hợp máy bay bất ngờ vỡ thành nhiều mảnh trên không.
Phía Ai Cập cho rằng việc giới chức Mỹ, Anh tuyên bố khả năng máy bay Nga bị đặt bom khủng bố là hành động vội vàng, thậm chí tiềm ẩn “động cơ chính trị và thương mại” mà nạn nhân trước tiên là “rất nhiều người dân Ai Cập sống dựa vào du lịch” như lời Ngoại trưởng Sameh Shoukry. Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin tuyên bố bất kỳ giả thuyết nào cũng chỉ là phỏng đoán và chỉ có cuộc điều tra chính thức mới xác định được chuyện gì đã xảy ra.
Bé gái sống sót
Ông Stephen Warikozi, Giám đốc Cơ quan Hàng không dân dụng Nam Sudan, hôm 5-11 cho biết chiếc máy bay chở hàng Antonov AN-12 bị rơi 1 ngày trước đó không được phép chở hành khách. Theo ông, cơ trưởng đã thông báo với trạm kiểm soát không lưu tại sân bay quốc tế Juba rằng máy bay chở 12 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn. Tuy nhiên, con số 36 người thiệt mạng chứng tỏ số người trên máy bay thực tế có thể cao hơn. Trong khi đó, hãng tin Sputnik dẫn một nguồn tin hành pháp Nga cho biết số người thiệt mạng trong vụ việc là 39, gồm cả 21 dân làng chết do bị máy bay rơi trúng.
Ngoài ra, theo lực lượng cứu hộ, trong vụ rơi máy bay nêu trên, chỉ có 1 bé gái sống sót. Theo Reuters, đó là bé Nyloak Tong, 14 tháng tuổi, đang được điều trị tại bệnh viện. Nhật báo Express (Anh) cho biết Nyloak đi cùng mẹ và các anh trai nhưng tất cả đều thiệt mạng, trừ cô bé. Còn người phát ngôn Quân đội giải phóng nhân dân Sudan (SPLA) nói khác khi cho biết cô bé được mẹ ném ra khỏi cửa sổ máy bay trước khi nó gặp nạn.
Phạm Nghĩa
Bình luận (0)