Cơ quan này cho rằng OpenAI thu thập dữ liệu cá nhân trái phép từ người sử dụng và không có hệ thống xác minh tuổi để ngăn người chưa đủ tuổi thành niên tiếp cận nội dung bị cấm. OpenAI có 20 ngày để cung cấp thông tin và giải pháp trước khi cơ quan trên đưa ra quyết định cuối cùng về tương lai của ChatGPT ở Ý.
Phản ứng trước động thái này, OpenAI cho biết đã ngăn người dùng ở Ý truy cập ChatGPT, đồng thời cam kết bảo vệ quyền riêng tư của người sử dụng dịch vụ. Công ty này cũng nhấn mạnh việc quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) là cần thiết.
Ý là quốc gia đầu tiên cấm ChatGPT do nỗi lo về quyền riêng tư. Theo tờ The New York Times, quyết định này là dấu hiệu cho thấy các nhà phát triển AI đang phải đối mặt những thách thức chính sách mới sau khi ChatGPT ra mắt vào cuối năm ngoái.
Công cụ này khiến người dùng thích thú với khả năng soạn thảo văn bản, trò chuyện giống con người và thực hiện các tác vụ phức tạp, như viết mã máy tính. Tuy nhiên, nó cũng làm dấy lên nỗi lo về vấn đề phát tán thông tin sai lệch, các tác động đến việc làm của con người và những rủi ro rộng lớn hơn đối với xã hội.
Nhóm lãnh đạo của Công ty OpenAI, trụ sở ở TP San Francisco - Mỹ.Ảnh: The New York Times
Hôm 30-3, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) nhận được đơn khiếu nại từ Trung tâm Chính sách AI và Kỹ thuật số (CAIDP), theo đó kêu gọi điều tra OpenAI và mô hình AI mới được cải tiến, gọi là GPT-4. Theo đơn khiếu nại, GPT-4 không đáp ứng được một loạt yêu cầu của FTC đối với việc sử dụng AI, như "minh bạch", "công bằng", "có thể giải thích được"…
Thay vào đó, hệ thống này bị cáo buộc là "thiên vị, lừa đảo, gây rủi ro đối với quyền riêng tư và an toàn cộng đồng". Trước đó một ngày, hơn 1.000 lãnh đạo và nhà nghiên cứu công nghệ đã kêu gọi tạm dừng phát triển các hệ thống mạnh hơn GPT-4 trong 6 tháng do lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn đối với xã hội và nhân loại.
Liên minh châu Âu (EU) hiện xem xét đề xuất soạn thảo luật quản lý AI nhưng đây là tiến trình tốn thời gian. Trước mắt, cơ quan quản lý tại một số nước thành viên EU đang áp dụng Quy định Bảo vệ dữ liệu chung (GDPR), được ban hành vào năm 2018, để xử lý những vấn đề liên quan ChatGPT.
Ông Alexander Hanff, thành viên nhóm chuyên gia hỗ trợ thuộc Ủy ban Bảo vệ dữ liệu châu Âu (EDPB), cho rằng nếu OpenAI tìm kiếm và thu thập dữ liệu trên mạng để "huấn luyện" chatbot thì đây là hành động "bất hợp pháp".
Cuộc đua giữa các công ty Trung Quốc và Mỹ
Sự xuất hiện của công cụ ChatGPT vào cuối năm ngoái đã dẫn đến nhận định Trung Quốc vẫn còn kém Mỹ trong cuộc đua AI. Tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh từ ngày 25 đến 27-3, ông Zhou Hongyi, nhà sáng lập Công ty bảo mật mạng 360 Security Technology, nhận định mức độ kiến thức trong AI của các công ty Trung Quốc vẫn còn đi sau đối thủ OpenAI từ 2 đến 3 năm.
Dù vậy, theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông - Trung Quốc), sự thua kém về công nghệ vẫn không ngăn một số công ty Trung Quốc từ bỏ ý định tung ra đối thủ cạnh tranh với ChatGPT - công cụ chưa được sử dụng ở quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Vào tháng rồi, Baidu trở thành công ty công nghệ lớn đầu tiên ở Trung Quốc trình làng một dịch vụ giống ChatGPT, gọi là Ernie Bot. Một số doanh nhân công nghệ nổi tiếng cũng thăm dò tiềm năng kinh doanh của AI tạo sinh (loại AI có thể được sử dụng để tạo nội dung mới, như âm thanh, hình ảnh, văn bản, video...).
Tuy nhiên, giới phân tích chỉ ra một số thách thức trong việc phát triển một đối thủ thật sự ngang tầm với ChatGPT ở Trung Quốc, như việc thiếu người có kinh nghiệm, chuyên môn về công nghệ và động thái hạn chế xuất khẩu chip AI của Mỹ.
Hoàng Phương
Bình luận (0)