Xung đột Nga - Ukraine tiếp tục diễn ra gay gắt giữa lúc các cuộc đàm phán hòa bình được tiến hành. Theo giới chuyên gia, Nga và Ukraine hiện vẫn chưa sẵn sàng cho một bước đột phá và điều này có thể khiến cuộc xung đột kéo dài.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ không từ bỏ chiến dịch quân sự đặc biệt cho đến khi các yêu cầu chính của Nga được đáp ứng, bao gồm "phi quân sự hóa", "phi phát xít hóa" Ukraine và trạng thái trung lập của Kiev.
Tổng thống Vladimir Putin cũng kêu gọi Kiev công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga, cũng như công nhận sự độc lập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng (2 khu vực ly khai gọi chung là Donbass ở miền Đông Ukraine).
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dường như nhượng bộ phần nào khi khẳng định Ukraine sẽ không trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Chuyên gia Alyona Hetmanchuk của Trung tâm châu Âu mới (trụ sở Kiev - Ukraine) nhận xét với đài Deutsche Welle (DW) rằng xung đột Nga - Ukraine đang ở một giai đoạn phức tạp, khi đàm phán ngày càng căng thẳng và giao tranh vẫn khốc liệt.
Theo bà Hetmanchuk, từ bỏ mong muốn gia nhập NATO là "nhượng bộ lớn nhất" mà Ukraine có thể đưa ra và đối với quốc gia này, việc chấp nhận yêu cầu của Nga về Crimea và Donbass "chẳng khác nào đầu hàng".
Người tị nạn Ukraine xếp hàng chờ lấy số nhận dạng quốc gia Ba Lan (PESEL) ở thủ đô Warsaw hôm 19-3 Ảnh: REUTERS
Bà Hetmanchuk dự đoán các cuộc đàm phán sẽ không thành công nhưng chúng vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình hình nhân đạo. Theo Liên Hiệp Quốc, từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24-2, hơn 3 triệu người, trong đó có hơn 1,5 triệu trẻ em, đã chạy sang các nước láng giềng xin tị nạn.
Khủng hoảng nhân đạo từ cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng là một trong những chủ đề thảo luận chính khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tiếp đón người đồng cấp Nhật Bản Kishida Fumio tại thủ đô New Delhi ngày 19-3. Sau cuộc họp, Thủ tướng Narendra Kishida thông báo Tokyo và New Delhi sẽ tiếp tục hợp tác để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho xung đột Nga - Ukraine.
Cũng trong ngày 19-3, Cố vấn Tổng thống Ukraine Mikhailo Podolyak kêu gọi Bắc Kinh gây sức ép lên Moscow, nói rằng: "Trung Quốc có thể trở thành nhân tố quan trọng của hệ thống an ninh toàn cầu nếu quốc gia này đưa ra quyết định đúng đắn để hỗ trợ liên minh các nước và lên án hành động của Nga ở Ukraine".
Tuyên bố trên được đưa ra không lâu sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành khẳng định các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đang ngày càng "thái quá", mang tính đơn phương và không được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc phê chuẩn.
Khẳng định Moscow có những nỗi lo an ninh chính đáng cần được giải quyết, ông Lạc Ngọc Thành nhấn mạnh NATO không nên mở rộng sang phía Đông và dồn ép một cường quốc hạt nhân như Nga vào "đường cùng".
Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov bày tỏ hy vọng chiến dịch quân sự của Moscow sẽ kết thúc bằng một "thỏa thuận toàn diện" về các vấn đề an ninh, bao gồm quy chế trung lập dành cho Ukraine. Ông Sergey Lavrov đồng thời khẳng định Moscow "sẵn sàng tìm kiếm các bảo đảm về an ninh" và phối hợp với Ukraine cũng như phương Tây để thực hiện chúng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tiết lộ với báo Hurriyet rằng Moscow và Kiev sắp đạt được thỏa thuận về các vấn đề quan trọng. Ông hy vọng sẽ có một thỏa thuận ngừng bắn, trừ khi một bên quay lưng với những bước tiến đạt được trong quá trình đàm phán.
Ráo riết tìm nguồn cung khí đốt thay thế
Phó Thủ tướng Bulgaria Assen Vassilev ngày 19-3 tuyên bố quốc gia của ông sẽ không đàm phán thỏa thuận khí đốt mới với Tập đoàn Gazprom (Nga) sau khi hợp đồng hiện hành kết thúc vào cuối năm 2022. Theo đài RT, gần như toàn bộ nguồn cung khí đốt của Bulgaria đến từ Nga và quốc gia này đang tìm kiếm các giải pháp thay thế để đáp ứng nhu cầu khí đốt từ bên thứ ba.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck cho biết nguồn cung khí đốt để quốc gia của ông sử dụng trong mùa đông tới đến nay vẫn chưa được bảo đảm. Thông tin này được Phó Thủ tướng Habeck cung cấp trước khi lên đường đến vịnh Ả Rập vào ngày 19-3 để tìm kiếm nguồn cung khí đốt mới, giảm bớt phụ thuộc vào Nga. Vài ngày trước đó, ông Habeck cũng đã đến Na Uy trong một sứ mệnh tương tự.
Bình luận (0)