Nhận xét trên được đưa ra tại hội thảo trực tuyến với chủ đề "Phục hồi kinh tế khu vực ASEAN+3: Những động lực mới của tăng trưởng và tinh thần lạc quan" do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) tổ chức hôm 13-5.
Hội thảo của ADB - AMRO tập trung vào một số vấn đề quan trọng đối với quá trình phục hồi kinh tế trong khu vực, bao gồm thảo luận các tác động của đại dịch và động lực tăng trưởng mới trong các ngành ở cấp độ quốc gia và khu vực.
Tại sự kiện, bà Marthe M. Hinojales - nhà kinh tế, giám sát khu vực (AMRO) - nhận định trong khi ngành du lịch cần thời gian để phục hồi thì các dịch vụ kỹ thuật số có thể thúc đẩy tăng trưởng năng suất cao ở khu vực trong dài hạn.
Các diễn giả tại hội thảo trực tuyến do Ngân hàng Phát triển châu Á và Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 tổ chức hôm 13-5. (Ảnh chụp màn hình)
Theo bà, sự liên kết mạnh mẽ trong khu vực sẽ là động lực chính giúp thúc đẩy đà tăng trưởng. Trong khi đó, ông James Villafuerte - chuyên gia kinh tế cấp cao thuộc ADB - chỉ ra những rủi ro hậu đại dịch Covid-19 gồm giá dầu và hàng hóa tăng vọt, các nước trong khu vực chấm dứt chương trình lãi suất thấp và tình trạng kinh tế trì trệ.
Chuyên gia ADB kêu gọi các nước thúc đẩy môi trường đầu tư và thương mại cởi mở thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, hội nhập tài chính và nâng cấp công nghệ sẽ giúp tăng cường liên kết khu vực.
Các chuyên gia AMRO cảnh báo tại ASEAN+3, rủi ro tài chính vẫn còn cao ở nhiều nền kinh tế do ảnh hưởng đại dịch, đồng thời khuyến cáo các nhà hoạch định chính sách ASEAN+3 có hành động cân bằng quan trọng, tránh rút hỗ trợ chính sách sớm để duy trì sự phục hồi kinh tế.
Cũng tại sự kiện của ADB - AMRO, ông Trần Toàn Thắng - Trưởng Ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, - nhận định nguy cơ bùng phát trở lại của dịch Covid-19 với các biến chủng mới vẫn hiện hữu, đe dọa tiến trình phục hồi kinh tế.
Áp lực gia tăng lạm phát đang tăng mạnh. Một số chỉ số quan trọng như chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên liệu cho sản xuất có thể thấy xu hướng tăng giá sản xuất đối với khu vực công nghiệp là khá rõ.
Theo ông Thắng, lực đẩy cho kinh tế Việt Nam năm 2022 đến từ chính sách mở cửa nền kinh tế, cùng với sự phục hồi của thị trường lao động là điều kiện quan trọng cho thúc đẩy sản xuất.
Bình luận (0)