Theo một nghiên cứu được công bố hôm 16-4, khám phá trên xuất phát từ cuộc nghiên cứu tập trung vào loại vi khuẩn ăn chất dẻo được phát hiện tại một bãi rác ở Nhật Bản vào năm 2016.
Được biết với tên gọi Ideonella sakaiensis, vi khuẩn này chỉ ăn loại chất dẻo PET được sử dụng rộng rãi để sản xuất chai nhựa. Mục tiêu ban đầu của nhóm nhà khoa học quốc tế là tìm hiểu cách thức hoạt động của một trong những enzyme của vi khuẩn - gọi là PETase. Rốt cuộc họ còn đi xa hơn khi vô tình tạo ra một loại enzyme phân hủy chất dẻo PET tốt hơn vi khuẩn.
Chất thải nhựa dẻo đang đe dọa các đại dương Ảnh: REUTERS
"Điều chúng tôi hy vọng làm được là sử dụng loại enzyme này để khiến chất dẻo quay trở lại các thành phần ban đầu của nó. Điều này có nghĩa chúng ta sẽ không cần khai thác thêm dầu mỏ nữa trong lúc số lượng nhựa dẻo trong môi trường sẽ giảm đáng kể" - chuyên gia John McGeehan, Trường ĐH Portsmouth (Anh), người chủ trì cuộc nghiên cứu, khẳng định.
Theo báo The Guardian, mỗi phút có khoảng 1 triệu chai nhựa được bán ra trên toàn cầu và chỉ 14% trong số đó được tái chế. Nhiều chai nhựa phế thải trôi dạt ở các đại dương, gây ô nhiễm các khu vực xa xôi, làm tổn hại môi trường biển và cả người ăn hải sản. Loại enzyme mới hứa hẹn giảm nhu cầu sản xuất chất dẻo mới và giúp ích cho nỗ lực tiêu hủy chất thải nhựa dẻo có thể tồn tại hàng trăm năm trong môi trường.
Bình luận (0)