Như vậy, ông Kim Jong-un đã chuyển từ đe dọa nước Mỹ bằng chiến tranh hạt nhân sang đề xuất phi hạt nhân hóa hoàn toàn trong vài tháng. Đằng sau sự thay đổi này là gì? Trước hết, Bình Nhưỡng gần như đã làm chủ được công nghệ làm giàu hạt nhân và hệ thống phân phối vũ khí. Nói cách khác, Triều Tiên thực tế đã là thành viên của câu lạc bộ cường quốc hạt nhân.
Ngoài ra, tầm nhìn lâu nay của Triều Tiên là xây dựng một "nhà nước xã hội chủ nghĩa mạnh mẽ", tức không chỉ mạnh về quân sự mà còn về kinh tế. Trong thông điệp mừng năm mới 2018, ông Kim Jong-un khẳng định sẵn sàng đánh đổi vũ khí hạt nhân lấy sự phát triển kinh tế. Các biện pháp trừng phạt hiện nay của cộng đồng quốc tế dù chưa đủ khắc nghiệt để thay đổi tính toán chiến lược của Triều Tiên, chúng vẫn đủ mạnh để khiến nước này đồng ý trở lại bàn đàm phán.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tiếp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại thủ đô Bình Nhưỡng hôm 9-5 Ảnh: REUTERS
Giới tinh hoa ở Bình Nhưỡng, bao gồm ông Kim Jong-un, nhận thức rõ thực tế nước này bị tụt hậu so với các nước láng giềng, đặc biệt là Hàn Quốc. Thực tế không thể phủ nhận này chắc hẳn mang lại cảm giác bối rối, ganh tị và bất an cho giới lãnh đạo Triều Tiên, bất chấp những động thái tuyên truyền và phô trương sức mạnh quân sự. Thêm vào đó, các đối tác thương mại lớn, trong đó có đồng minh quan trọng Trung Quốc, đã cắt giảm hoặc ngưng hoàn toàn quan hệ thương mại và đầu tư với Triều Tiên.
Dưới sức ép trừng phạt, ông Kim Jong-un nhận thấy việc cải cách và hiện đại hóa đất nước là một sứ mệnh ngày càng bất khả thi. Giờ đây, sau khi đã phát triển được năng lực răn đe để bảo đảm sự sống còn, nhà lãnh đạo Triều Tiên bắt đầu quan tâm đến việc thúc đẩy đất nước tiến lên để theo kịp các nước láng giềng.
Bình luận (0)