Reuters mô tả đích thân Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un chỉ đạo cuộc thử nghiệm ICBM mới hôm 13-4. Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới này có tên Hwasong-18, sử dụng nhiên liệu rắn.
"Việc phát triển ICBM mới Hwasongpho-18 như bước đột phá trong thành phần răn đe chiến lược của CHDCND Triều Tiên, thúc đẩy triệt để hiệu quả trong phản công hạt nhân và mang lại sự thay đổi về tính thực tiễn trong chiến lược quân sự tấn công của đất nước" - hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA hôm 14-4 nhấn mạnh.
Hình ảnh được cho là tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-18 được Triều Tiên phóng đi hôm 13-4. Ảnh AP
Chủ tịch Kim Jong-un sau đó cũng cảnh báo rằng cuộc thử nghiệm Hwasongpho-18 sẽ gây "nỗi khiếp sợ kinh hoàng đối với kẻ thù" và buộc đối phương phải "dừng hành động liều lĩnh".
Triều Tiên tuyên bố đã tiến hành thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa nhiên liệu rắn mới diễn ra trong bối cảnh họ chỉ trích mạnh mẽ các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn gần đây.
Hàn Quốc cũng nhận định Triều Tiên dường như phóng một tên lửa đạn đạo kiểu mới hôm 13-4. Vụ phóng này khiến Nhật Bản phải phát đi cảnh báo cho người dân trên đảo Hokkaido nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn và sau đó cảnh báo được gỡ bỏ vì không gây ra nguy hiểm.
Các nhà phân tích cho rằng đây là lần đầu tiên Triều Tiên sử dụng nhiên liệu rắn đối với tên lửa đạn đạo tầm trung hoặc tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Phát triển ICBM nhiên liệu rắn từ lâu đã được coi là mục tiêu chính của Bình Nhưỡng, vì nó có thể giúp các tên lửa hạt nhân của họ khó bị phát hiện và có sức mạnh hủy diệt hơn.
Triều Tiên lên tiếng về vũ khí làm "kẻ thù khiếp sợ kinh hoàng”
Hầu hết tên lửa đạn đạo lớn nhất của Triều Tiên trước đó đều sử dụng nhiên liệu lỏng, đòi hỏi chúng phải được nạp nhiên liệu đẩy tại bãi phóng - một quá trình tốn nhiều thời gian và dễ bị phát hiện.
Vụ phóng tên lửa mới nhất diễn ra vài ngày sau khi lãnh đạo Triều Tiên ra chỉ thị tăng cường khả năng răn đe một cách thực tế và chủ động hơn để chống lại các động thái gây hấn từ phía Mỹ.
Các quan chức cho biết tên lửa được bắn gần Bình Nhưỡng, bay khoảng 1.000 km trước khi rơi xuống vùng biển phía Đông Triều Tiên.
Triều Tiên cho biết vụ thử không gây ra mối đe dọa nào đối với các nước láng giềng.
Bình luận (0)