Chính phủ Hàn Quốc hôm 4-5 cho biết Triều Tiên đã phóng "một số vật thể bay tầm ngắn" từ bờ biển phía Đông nước này trong động thái được cho là nhằm gia tăng sức ép lên Mỹ giữa lúc đàm phán hạt nhân bế tắc.
Quân đội Hàn Quốc ban đầu gọi đây là vụ phóng tên lửa nhưng sau đó dùng từ ngữ mơ hồ nói trên - qua đó cho thấy vẫn còn quá sớm để xác định loại được phóng. Tuyên bố của Văn phòng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết các vật thể bay tầm ngắn nói trên được bắn từ TP Wonsan lúc 9 giờ (giờ địa phương) và bay được 70-200 km trước khi rơi xuống biển. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cùng ngày cho biết không có bằng chứng cho thấy các vật thể bay này rơi xuống lãnh hải mình.
Hiện vụ phóng đang được quân đội Hàn Quốc và Mỹ phân tích để làm rõ xem Triều Tiên đã phóng loại "vật thể bay gì". Nếu chúng được xác định là tên lửa tầm ngắn, đây sẽ là vụ phóng tên lửa đầu tiên của Bình Nhưỡng kể từ tháng 11-2017.
Sau khi tiến hành cuộc họp khẩn, chính phủ Hàn Quốc đã bày tỏ quan ngại về vụ phóng vũ khí mới nhất của Triều Tiên và gọi hành động này vi phạm thỏa thuận liên Triều đạt được vào năm ngoái về việc giảm căng thẳng giữa hai bên. Seoul cũng thúc giục Bình Nhưỡng chấm dứt những hành động có thể làm gia tăng căng thẳng quân sự và tham gia nỗ lực nối lại đàm phán hạt nhân. Song song đó, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhất trí xử lý "thận trọng" vụ việc.
Truyền hình Nhật Bản đưa tin về vụ phóng “một số vật thể bay tầm ngắn” của Triều Tiên hôm 4-5Ảnh: Reuters
Theo một số nhà phân tích, vụ phóng mới nhất nêu bật Triều Tiên ngày càng mất kiên nhẫn trước tiến trình đàm phán hạt nhân bị đình trệ với Mỹ, cũng như sự thiếu tiến triển trong hợp tác kinh tế liên Triều. Thời điểm tiến hành vụ phóng được lựa chọn nhằm phát đi thông điệp đến Mỹ, theo đó Triều Tiên có thể quay trở lại kiểu đối đầu như trước nếu không có đột phá trong đàm phán hạt nhân. Ngoài ra, Triều Tiên còn muốn bày tỏ sự giận dữ và gia tăng sức ép buộc Washington thể hiện sự linh hoạt trong đàm phán hạt nhân trong lúc chứng tỏ Bình Nhưỡng sẽ không lùi bước về mặt quân sự.
"Rõ ràng là Triều Tiên đang tức giận vì sự thiếu linh hoạt trong lập trường của chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt" - ông Harry Kazianis, chuyên gia tại Trung tâm vì lợi ích quốc gia Mỹ, nhận định với đài CNN.
Dù vậy, theo Yonhap, hành động của Bình Nhưỡng cũng được cân nhắc kỹ lưỡng để không khiêu khích Washington tới mức làm chệch hướng nỗ lực ngoại giao hiện nay bởi một kết cục như thế cũng giáng đòn mạnh vào mục tiêu thúc đẩy nới lỏng trừng phạt quốc tế và chương trình nghị sự kinh tế của Triều Tiên. "Bình Nhưỡng lúc này có thể gia tăng căng thẳng nhưng nước này sẽ quay trở lại đối thoại (sau những động thái quân sự như vậy)" - ông Park Won-gon, nhà nghiên cứu chính trị quốc tế tại Trường ĐH Toàn cầu Handong (Hàn Quốc), dự báo.
Trong khi đó, ông Kim Huyn-wook, chuyên gia tại Học viện Ngoại giao quốc gia Hàn Quốc, nhận định đây là động thái không ngoài dự kiến và có thể còn nhằm vào chuyến thăm Hàn Quốc vào tuần tới của ông Stephen Biegun, đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên. Theo Yonhap, ông Biegun và người đồng cấp Hàn Quốc Lee Do-hoon dự kiến thảo luận về những biện pháp nhằm khai thông thế bế tắc hiện nay, trong đó có việc hỗ trợ nhân đạo cho Bình Nhưỡng.
Ngoài ra, trong cuộc điện đàm hôm 3-5, ông Trump đã thúc giục Tổng thống Nga Vladimir Putin duy trì sức ép lên Triều Tiên cho đến khi Bình Nhưỡng dỡ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi ông Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hội đàm lần đầu tiên vào tháng rồi. Thông qua sự kiện này, theo giới phân tích, Bình Nhưỡng nỗ lực tìm kiếm sự nới lỏng trừng phạt từ Moscow trong lúc Nga muốn tăng cường vai trò trong việc tìm giải pháp cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Bình luận (0)