KCNA đưa tin hơn 186.090 người bị sốt (giảm hơn 32.940 người so với ngày trước đó) và 1 người tử vong từ 18 giờ ngày 20-5 đến 18 giờ ngày 21-5 trên khắp đất nước.
Hơn 2 triệu trong tổng số 2,6 triệu ca sốt đã hồi phục. Số ca tử vong chính thức là 67 ca, với tỉ lệ tử vong là 0,003%.
KCNA nhận định: "Tình hình hiện tại ở Triều Tiên cho thấy xu hướng tích cực, từ việc lây lan nhanh chóng lúc ban đầu nay đã giảm sau khi được kiểm soát. Số lượng ca hồi phục gia tăng hằng ngày trên toàn quốc".
Binh sĩ Triều Tiên giao thuốc cho các hiệu thuốc. Bức ảnh do Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên công bố ngày 19-5. Ảnh: Yonhap
Làn sóng Covid-19 công bố ngày 12-5 ở Triều Tiên làm dấy lên những lo ngại về việc thiếu vắc-xin, cơ sở hạ tầng y tế chưa hoàn thiện, cuộc khủng hoảng lương thực tiềm ẩn và những tác động kinh tế xã hội khác có thể xảy ra ở quốc gia 25 triệu dân.
Theo hãng tin Reuters, cho tới nay, Bình Nhưỡng vẫn từ chối các sự trợ giúp từ bên ngoài, đóng cửa biên giới và không cho phép xác nhận độc lập về dữ liệu dịch bệnh. Cụ thể, Mỹ và Hàn Quốc tỏ ý sẵn sàng hỗ trợ Triều Tiên ứng phó dịch Covid-19 nhưng chưa nhận được hồi đáp.
Tuy nhiên, hãng tin Yonhap dẫn một nguồn tin ngoại giao giấu tên cho biết ba máy bay của hãng hàng không Triều Tiên Air Koryo đã đến Trung Quốc tiếp nhận vật tư y tế và trở về Bình Nhưỡng hồi đầu tuần này.
Reuters cho rằng Triều Tiên thiếu bộ xét nghiệm và chưa xác nhận số người mắc Covid-19. Thay vào đó, cơ quan y tế Triều Tiên báo cáo các ca có triệu chứng sốt, khiến việc đánh giá quy mô làn sóng Covid-19 gặp khó khăn.
Nhân viên y tế khử trùng sở thú ở thủ đô Bình Nhưỡng vào ngày 20-5. Ảnh: KCNA/Yonhap
Năm 2021, Triều Tiên cho biết họ đã phát triển thiết bị xét nghiệm PCR để xét nghiệm Covid-19. KCNA thông tin quốc gia này đang đẩy nhanh việc phát triển bộ xét nghiệm kháng nguyên để phát hiện sớm dịch bệnh.
Các nhà chức trách đã triển khai lực lượng quân y để phân phát thực phẩm, thuốc men và và tiến hành xét nghiệm trên khắp cả nước.
Hơn 1 triệu nhân viên y tế, bao gồm cả sinh viên y khoa và giáo viên cũng được huy động để kiểm tra sức khỏe người dân "để ngăn chặn và loại bỏ triệt để nguồn lây lan".
Sau 2 năm, Triều Tiên xác nhận ca bệnh đầu tiên vào ngày 12-5. KCNA khi đó cho biết trường hợp này nhiễm BA.2, dòng phụ của biến thể Omicron có khả năng lây lan cao và thường được gọi là Omicron "tàng hình".
Ca nhiễm được cho là "sự cố khẩn cấp nghiêm trọng của đất nước" do "một lỗ hổng trong phòng tuyến cách ly khẩn cấp vốn đã được giữ trong 2 năm 3 tháng qua kể từ tháng 2-2020".
Bình luận (0)