Nhà Trắng đang lên kế hoạch cho cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai giữa Tổng thống Donald Trump và ông Kim Jong-un sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên gửi "lá thư rất ấm áp" tới ông chủ Nhà Trắng.
Lùi một bước để tiến xa
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders ngày 10-9 nói rằng bức thư "rất ấm áp và tích cực" nói trên là bằng chứng tiến triển trong quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo, đồng thời xác nhận chính phủ Mỹ bắt đầu phối hợp tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần 2. Bên cạnh đó, nữ thư ký báo chí Nhà Trắng cũng ghi nhận việc Triều Tiên không diễu hành tên lửa hạt nhân trong sự kiện kỷ niệm 70 năm quốc khánh hôm 9-9.
Bằng cách loại bỏ các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) ra khỏi cuộc diễu binh lớn, nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên đã gửi đi thông điệp được Tổng thống Trump lập tức "diễn giải" là "một tuyên bố lớn đầy tích cực" về phi hạt nhân hóa. "Cảm ơn Chủ tịch Kim. Cả hai chúng ta chứng minh mọi người đã sai! Không có gì bằng một cuộc đối thoại tốt đẹp từ hai con người yêu thích nhau" - ông chủ Nhà Trắng tán dương trên mạng xã hội Twitter.
Binh sĩ tại lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Triều Tiên hôm 9-9. Ảnh: REUTERS
Nếu như việc không để tên lửa hạt nhân xuất đầu lộ diện tại lễ diễu binh khiến Washington hài lòng, nụ cười rạng rỡ của ông Kim Jong-un khi nắm chặt và giơ tay cao cùng ông Lật Chiến Thư, đặc phái viên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trên lễ đài tại Quảng trường Kim Nhật Thành cũng khiến Bắc Kinh mát mặt. Đó là chưa kể tới khúc dân ca nổi tiếng "Yêu Trung Quốc của tôi" còn được lồng ghép đầy dụng ý vào sự kiện.
Trong bài viết trên báo The Washington Post hôm 10-9 với nhan đề "Triều Tiên tìm cách làm cho Bắc Kinh và Washington đôi co và vươn lên thắng thế", nhà báo Anna Fifield nhấn mạnh những diễn biến tại đại lễ hoành tráng này một lần nữa cho thấy ông Kim rõ ràng không phải là "tay mơ" về ngoại giao.
"Ông Kim Jong-un đã tiến hành thành công một màn diễn lớn và đạt bước tiến đối với cả hai mục tiêu chính sách đối ngoại quan trọng cùng lúc" - chuyên gia Tong Zhao thuộc Trung tâm Carnegie-Tsinghua về Chính sách toàn cầu, nhận định. Mục tiêu của lãnh đạo Triều Tiên bao gồm thúc đẩy kinh tế trong khi cầm cự chương trình hạt nhân của mình càng lâu càng tốt.
Viện trợ kinh tế
Triều Tiên không chỉ "điều khiển" tâm trạng của cả hai cường quốc lớn nhất thế giới, ván cờ đa phương đang nổi lên ở Đông Bắc Á cũng xoay quanh nước này. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in - người sẽ tới Bình Nhưỡng vào tuần tới - đang nỗ lực duy trì bước đà cho tiến trình ngoại giao được ông khởi động hồi đầu năm.
Ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh thứ ba giữa hai nước trong năm nay này, giới chức quân sự hai bên dự định hội đàm vào ngày 13-9 tại Làng đình chiến Bàn Môn Điếm để thảo luận các biện pháp giảm căng thẳng ở khu vực biên giới.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và ông Lật Chiến Thư, đặc phái viên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trên lễ đài hôm 9-9. Ảnh: REUTERS
Nhật Bản cũng không muốn đứng ngoài lề. Báo The Washington Post hồi cuối tháng rồi loan tin người đứng đầu Cục Nghiên cứu và Tình báo thuộc Văn phòng Nội các Nhật Bản Shigeru Kitamura và quan chức cấp cao Ủy ban Hòa bình và Thống nhất Quốc gia Triều Tiên Kim Song-hye đã gặp gỡ hồi tháng 7 nhưng không thông báo với Mỹ.
Theo Yonhap, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hôm 11-9 nói rằng ông muốn cải thiện và bình thường hóa quan hệ với Bình Nhưỡng thông qua các cuộc đối thoại trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Phát ngôn mới nhất bày tỏ hy vọng về một cuộc gặp thượng đỉnh của ông Abe với Triều Tiên này được đưa ra trong cuộc gặp với Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon bên lề Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) tại TP Vladivostok ở vùng Viễn Đông của Nga.
Một ngày trước đó, trong cuộc họp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Nhật cho biết Tokyo có thể viện trợ kinh tế cho Bình Nhưỡng với điều kiện nước này đồng ý giải quyết vấn đề công dân Nhật bị bắt cóc cũng như những khúc mắc liên quan tới tên lửa và hạt nhân.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình hồi tháng 6, ông Abe từng bày tỏ sẵn sàng tài trợ chi phí phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Tuy vậy, tháng 8 vừa qua, Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố Triều Tiên vẫn đặt ra "mối đe dọa nghiêm trọng và khẩn cấp", bất chấp tình hình ngoại giao đã bớt căng thẳng.
Bình luận (0)