Ở tuổi 66, bà Aung San Suu Kyi, chính trị gia đoạt giải Nobel Hòa bình, hy vọng cuộc bầu cử tạo điều kiện để NLD có thể đóng góp vào quá trình cải cách dân chủ tại Myanmar.
Tuy nhiên, theo AFP, dù đảng của bà có giành được toàn bộ 48 ghế tại thượng và hạ nghị viện trong cuộc bầu cử cũng chưa thể làm thay đổi cục diện chính trị hiện nay vì đa số tại hạ viện gồm 440 ghế vẫn thuộc phe quân đội cầm quyền. Nhưng AFP nhận định: “Thắng lợi của bà sẽ mang tính lịch sử vì lần đầu tiên bà sẽ có tiếng nói trong quốc hội sau nhiều thập kỷ chỉ là thủ lĩnh phe đối lập”.
Bà Aung San Suu Kyi được cử tri Myanmar ủng hộ. Ảnh: AFP
Triển vọng bà Aung San Suu Kyi tham gia chính phủ sau cuộc bầu cử thật sáng sủa. Ngày 18-1, hàng ngàn người đã tập trung tại một khu vực bà đăng ký tranh cử ở ngoại ô cố đô Yangon, hô vang: “Aung San Suu Kyi muôn năm!”, “Chúc bà chiến thắng!”.
Trả lời một nhà báo hỏi liệu bà có tham gia chính phủ, bà cười lớn: “Tôi sẽ phải suy nghĩ nghiêm túc. Vấn đề là được bổ nhiệm ở bộ nào”. Nhà báo hỏi tiếp: “Bộ Ngoại giao thì sao?”, bà nói: “Thời gian sẽ trả lời!”.
Hãng AP nhận xét quan hệ của Myanmar với Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) thời gian qua đã được cải thiện đáng kể do chính quyền của Tổng thống Thein Sein đã thực hiện một loạt biện pháp cải cách dân chủ.
Các cuộc viếng thăm của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe mới đây để gặp bà Aung San Suu Kyi, đánh dấu cột mốc mới về cải thiện quan hệ.
Ngoại trưởng Pháp tuyên bố EU sẽ có những bước đi cụ thể để đáp lại những cuộc cải cách của Chính phủ Myanmar. Chính phủ Mỹ sắp tới sẽ “nâng cấp quan hệ ngoại giao” và lần đầu tiên sẽ cử đại sứ tới Myanmar sau 2 thập kỷ “đóng băng quan hệ”. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đánh giá cao “bước đi thực chất tiến tới cải cách dân chủ” ở Myanmar.
Bình luận (0)