Hội nghị Thượng đỉnh về chống tham nhũng dự kiến diễn ra tại thủ đô London - Anh hôm nay (12-5). Nạn trốn thuế và “thiên đường thuế” chắc chắn sẽ được đề cập sau vụ rò rỉ dữ liệu của Công ty Luật Mossack Fonseca (Panama).
Đây là lần đầu tiên một hội nghị như trên diễn ra, thu hút sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo chính trị, doanh nghiệp, thể chế tài chính, tổ chức từ thiện... Những nhà tổ chức cho biết mục tiêu của hội nghị là nhất trí về những bước đi nhằm không cho tham nhũng có nơi ẩn náu; trừng phạt tội phạm tham nhũng và hỗ trợ những người bị ảnh hưởng.
Nước chủ nhà sẽ khó thoát khỏi sự săm soi từ nhiều phía bởi không ít lãnh thổ hải ngoại của họ đang là “thiên đường thuế”.
Theo tài liệu bị rò rỉ, hơn phân nửa công ty bình phong được Mossack Fonseca thành lập có trụ sở ở quần đảo Virgin thuộc Anh. Thủ tướng Anh David Cameron đang chịu áp lực từ công chúng và cộng đồng quốc tế về việc bảo đảm các lãnh thổ hải ngoại này đáp ứng tiêu chuẩn thuế quốc tế.
Vấn đề là London cho đến giờ vẫn chưa thuyết phục được những địa phương trên thôi chứa chấp các khoản tiền bí mật và không có nhiều dấu hiệu cho thấy tình hình sớm được cải thiện, nhất là khi quần đảo Virgin thuộc Anh không được mời tham dự hội nghị trên.
Để xoa dịu dư luận, chính phủ Anh đang có những bước đi nhằm cho phép người dân sớm biết được ai thật sự là chủ sở hữu của một doanh nghiệp nào đó ở nước này.
Đại diện chính phủ Mỹ tham dự hội nghị, Ngoại trưởng John Kerry chắc chắn sẽ có nhiều chuyện để giải thích sau khi hồ sơ Panama phơi bày một số “thiên đường thuế” ở nước này.
Theo đài VOA, những nhà hoạt động chống tham nhũng xem Mỹ là mối bận tâm lớn bởi một số bang, như Delaware, Nevada, Wyoming... bị cáo buộc bật đèn xanh cho hành vi trốn thuế, rửa tiền và cho phép doanh nghiệp dễ dàng được thành lập trong bí mật. Cái khó của Mỹ trong cuộc chiến chống lại những loại tội phạm trên là chính quyền các bang có quyền ban hành những quy định riêng liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Bầu không khí trước thềm hội nghị đã được hâm nóng bởi lá thư của hơn 300 nhà kinh tế, trong đó nhận định sự tồn tại của “thiên đường thuế” không mang lại lợi ích gì và yêu cầu dỡ bỏ bức màn bí mật quanh hoạt động của những nơi này.
Không dừng lại ở đó, các tác giả bức thư còn cho rằng những nước nghèo đang bị thiệt hại nặng nề nhất bởi nạn trốn thuế - khoảng 170 tỉ USD/năm.
Tổ chức Cứu trợ quốc tế Oxfam ước tính châu Phi thất thoát khoảng 14 tỉ USD tiền thuế mỗi năm - đủ chi trả cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể cứu sống 4 triệu trẻ em mỗi năm và đủ trả lương cho các giáo viên để tất cả trẻ em ở lục địa này được đến trường.
Nhượng bộ giới nhà giàu!
“Mỹ và Anh cần đi đầu trong nỗ lực chấm dứt sự tồn tại của những “thiên đường thuế” bí mật. Nội dung hồ sơ Panama cho thấy những nơi này tiếp tay cho hành vi phạm pháp, tham nhũng, trốn thuế và nhiều hành động sai trái khác…” - ông Jeffrey Sachs, Giám đốc Viện Trái đất thuộc Trường ĐH Columbia (Mỹ), nhận định với đài BBC.
Tuy nhiên, chuyên gia này lo ngại các nhà lãnh đạo thế giới sẽ nhượng bộ giới nhà giàu và không thực thi những cải cách có ý nghĩa. Trái lại, ông Tim Evans, giáo sư về kinh tế chính trị tại Trường ĐH Middlesex (Anh), nhận định các nước giàu đang đối mặt sức ép lớn phải làm điều gì đó để trấn áp nạn trốn thuế của người có quyền lực, lắm tiền để khôi phục lại lòng tin và sự minh bạch.
Bình luận (0)