Theo nghiên cứu công bố trên Tạp chí Nature Biotechnology (Anh) trong tháng này, phương pháp trên đã được một nhóm các nhà khoa học thuộc Trường ĐH bang Arizona (Mỹ) và Học viện Khoa học Trung Quốc nghiên cứu 5 năm qua. Họ phát triển robot nano ADN - loại robot cực nhỏ được chế tạo từ ADN - được lập trình để tự động tìm kiếm và phá hủy tế bào ung thư.
Các phương pháp điều trị ung thư hiện nay, như dùng tia bức xạ, thường phá hủy cả tế bào ung thư lẫn tế bào khỏe mạnh, gây tốn kém và tổn hại đến bệnh nhân. Trong khi đó, robot nano ADN có thể di chuyển trong máu người, tiêu diệt khối u mà không làm ảnh hưởng tới các tế bào bình thường.
Trang Science Daily (Mỹ) mô tả các robot nano này được phát triển từ một tấm ADN phẳng hình chữ nhật với kích thước 90 x 60 nanomet (1 nanomet = 1/1 tỉ m). Bề mặt của tấm ADN có gắn thrombin - loại enzyme có thể làm đông máu bên trong các mao mạch nuôi dưỡng khối u, từ đó tấn công vào trung tâm khối u và giết chết mô của nó.
Ông Hao Yan cho rằng robot nano ADN có thể được sử dụng để điều trị nhiều loại ung thư Ảnh: ASU
Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm trên chuột mang khối u ung thư của người. Chỉ vài giờ sau khi được tiêm vào cơ thể chuột, các robot nano nhanh chóng tập hợp số lượng lớn để bao vây khối u. Trong vòng 24 giờ đầu tiên, chúng truyền thuốc làm cắt đứt nguồn máu nuôi khối u, xóa sổ chúng mà không "đụng" tới các mô khỏe mạnh. Hầu hết các robot nano này sẽ tự đào thải khỏi cơ thể trong 24 giờ tiếp theo.
Ông Hao Yan, Giám đốc Trung tâm Thiết kế phân tử và Mô phỏng sinh học thuộc Viện Thiết kế sinh học - Trường ĐH bang Arizona và GS Milton Glick, Trường Khoa học phân tử, cho biết: "Chúng tôi đã phát triển hệ thống robot tự động ADN hoàn chỉnh đầu tiên vận chuyển thuốc rất chính xác và có mục tiêu điều trị ung thư". Ông Yan nói thêm công nghệ này có thể được sử dụng để điều trị nhiều loại ung thư vì tất cả mạch máu nuôi dưỡng tế bào ung thư đều giống nhau.
Điều quan trọng nhất là không có bằng chứng nào cho thấy các robot nano lan đến não và gây ra tác dụng phụ không mong muốn như đột quỵ. Theo trang Inquirer (Philippines), kết quả tương tự được ghi nhận trong cuộc thử nghiệm trên lợn tí hon Bama, giúp giảm lo ngại về hiệu quả của robot nano ADN trên những động vật lớn hơn.
Dù vẫn còn cần nhiều cuộc kiểm tra trước khi thử nghiệm trên người nhưng các nhà nghiên cứu lạc quan rằng công nghệ này không chỉ chống lại ung thư mà còn là phương pháp mới giúp đưa thuốc đến vị trí cần điều trị trong cơ thể.
Bình luận (0)