Khi ông Donald Trump qua mặt những ứng viên Đảng Cộng hòa (GOP) được dự báo có triển vọng nhất trong các vòng bầu cử sơ bộ cấp bang, người ta tìm cách phác họa chân dung mẫu cử tri “ruột” của ông này.
Chân dung cử tri “cuồng” Trump
Theo các nghiên cứu ban đầu, không khó để nhận ra đó là những người mù mờ về thông tin, thích những ứng viên phát biểu dễ nghe và dễ hiểu, không cần lý luận dài dòng miễn đánh trúng tâm lý của họ. Nhưng càng ngày người ta càng nhận ra rằng sức hút của ông Donald Trump lan tỏa rộng hơn người ta tưởng và không hề “bạo phát bạo tàn”.
Nghiên cứu giới tính, sắc tộc và độ tuổi, cuộc điều tra của The Washington Post, nhật báo hàng đầu nước Mỹ, chỉ ra rằng những người ủng hộ ông Trump phần lớn là người lao động da trắng nghèo, có thu nhập dưới 50.000 USD/năm. Sau khi ông Trump đè bẹp các đối thủ là chính trị gia chuyên nghiệp trong ngày “Siêu thứ ba” kỳ 1 (ngày 1-3), đã hé lộ thêm 4 đặc điểm của những người “yêu điên cuồng” Donald Trump.
Thứ nhất, đó là những người chưa học tới đại học. Khi cử tri bang New Hampshire chọn ông Trump, nhà phân tích Evan Soltas xác định yếu tố nổi bật là trình độ học vấn của họ.
Kết quả của công trình nghiên cứu việc làm, thu nhập và nghề nghiệp của người Mỹ từ năm 1990 đến 2013 mang tên “Đề án Hamilton” công bố hồi tháng 5-2015 cho biết tỉ lệ người không có bằng đại học tìm được việc làm toàn thời gian và cả năm đã giảm mạnh từ 76% còn 68% hồi năm 2013. Hầu hết cử tri bầu ông Trump thuộc diện này.
Thứ hai, đó là những người cảm thấy bị “cho ra rìa”, không có tiếng nói chính trị, theo kết quả điều tra của RAND Corporation - một tổ chức nghiên cứu chính sách và sách lược Mỹ. Cụ thể: 86,5% những người được hỏi cho rằng tâm tư của họ không được phản ánh trong các chính sách của nhà nước, đặc biệt là cảm giác bất an trước tình trạng người nhập cư (tín đồ Hồi giáo, di dân bất hợp pháp) đe dọa “những giá trị truyền thống và phong tục tập quán” của mình.
Thứ ba, đó là những người sẵn sàng chấp nhận một chế độ độc tài để chiến thắng khủng bố, theo nghiên cứu của chuyên gia Matthew MacWilliams ở Trường ĐH Massachussetts Amherst.
Thứ tư, đồng minh của ông Trump là những người ít nhiều mang nặng đầu óc kỳ thị chủng tộc sinh sống chủ yếu từ Bờ Vịnh nước Mỹ (Gulf Coast) đến dãy núi Appalachian và New York, theo cây bút Nate Cohn của tờ The New York Times.
Xoáy vào những vấn đề cấp thiết
Tại sao hàng triệu cử tri GOP chọn ứng viên Donald Trump? Bởi doanh nhân tỉ phú này biết khai thác 4 vấn đề nóng bỏng nhất của nước Mỹ hiện nay trong mắt những cử tri có các đặc điểm kể trên. Đó là hiểm họa khủng bố, an ninh quốc gia bị đe dọa, sức mạnh kinh tế suy thoái và nợ công quá lớn.
Vụ vợ chồng tín đồ Hồi giáo xả súng tại trung tâm dịch vụ xã hội ở TP San Bernadino, Nam California hồi cuối năm ngoái thật sự làm hàng triệu người Mỹ sợ hãi. Chiến thắng vẻ vang của ông Trump ở bang Nam Carolina là một bằng chứng điển hình. Cử tri nói họ thích tuyên bố của ông Trump trên kênh truyền hình Fox News rằng “sẽ tiêu diệt tất cả thành viên gia đình những tên IS để chặn đứng bước tiến của chúng” cho dù tuyên bố này dễ bị quy kết “tội phạm chiến tranh”, theo chuẩn mực quốc tế.
Cử tri của ông Trump cảm thấy lợi ích của họ bị xâm phạm do hiện tượng toàn cầu hóa, việc làm ngày càng ít đi bởi trào lưu chuyển nhà máy Mỹ ra nước ngoài. Nói chung, họ phẫn nộ trước việc này nên khi ông Trump đề xuất những chính sách cực đoan chống toàn cầu hóa, chống các hiệp ước thương mại tự do thì họ dồn phiếu ngay cho ông. Họ tin rằng nếu ông Trump đắc cử tổng thống thì họ dễ kiếm việc làm hơn, kinh tế Mỹ sẽ hồi phục mạnh, không còn sợ kinh tế Trung Quốc soán ngôi.
Nói chung, cử tri của Donald Trump đưa ra thông điệp khá rõ ràng: Họ chán tận cổ những ứng viên GOP luôn miệng hứa “sẽ phục vụ nhân dân hết mình” kiểu Jeb Bush và chính khách trí thức như phẫu thuật gia thần kinh Ben Carson (ông này cuối cùng quay sang ủng hộ Donald Trump).
Họ thích một người ăn nói bạt mạng, “sang chảnh” như ông Trump, điều chưa từng thấy trước đây. Ted Cruz, Marco Rubio - những ứng viên kình địch của Donald Trump - phát hiện quá muộn rằng một bộ phận không nhỏ cử tri GOP bị “gã bất hảo” Trump quyến rũ mạnh mẽ.
Một cử tri ở TP Manchester, bang New Hampshire lý giải: “Người ta nói ông ấy dính líu đến xã hội đen. Có thể là như vậy nhưng có gì khác biệt giữa chính khách và xã hội đen? Trong người chính khách đã có 25% máu xã hội đen”.
Trong mấy tháng gần đây, hàng loạt cuộc phỏng vấn và điều tra xã hội học cho thấy cử tri thích Donald Trump vì ông này nói lên những điều họ muốn nói nhưng không có cơ hội, dù cho những điều đó bị cho là kỳ thị sắc tộc, kỳ thị giới tính, bài ngoại, không đúng đắn về mặt chính trị. Trong mắt họ, ông Trump là người bảo vệ gia đình họ, dám nói điều mình nghĩ, dám công kích truyền thông, chính phủ và thậm chí cả Giáo hoàng La Mã.
Điểm yếu: Kỳ thị dân Mỹ Latin
Số liệu của Sở Di trú và Nhập tịch Mỹ cho biết số người Mỹ Latin xin nhập tịch trong 6 tháng cuối năm 2015 (trùng hợp thời điểm vận động tranh cử tổng thống) đã tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2014.
Theo luật gia Ivan Parra, người phát ngôn của Tổ chức Liên minh Di dân Florida, nguồn gốc sự gia tăng này là do nhiều người Mỹ Latin muốn cầm thẻ cử tri xóa tên Donald Trump - người mà họ cho rằng kỳ thị và xúc phạm sắc tộc Mỹ Latin - với đề xuất xây tường thành ngăn chặn “tội phạm” Mexico nhập cư lậu.
Mỹ hiện có 4,5 triệu người nhập cư gốc Mỹ Latin có đủ điều kiện xin nhập tịch Mỹ. Đây là một yếu tố có khả năng gây đột biến trong cuộc bầu cử ngày 8-11 tới, hoàn toàn bất lợi cho ông Donald Trump.
Kỳ tới: Nếu đắc cử tổng thống…
Bình luận (0)