Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thủ đô Seoul hôm 3-7 trong chuyến công du đầu tiên tới bán đảo Triều Tiên trên cương vị người đứng đầu quốc gia đông dân nhất thế giới.
Giới ngoại giao cho rằng việc ông Tập Cận Bình lựa chọn Hàn Quốc làm điểm đến đầu tiên cho chuyến công du là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy sự bất mãn với hành động khiêu khích không ngừng của Bình Nhưỡng gây căng thẳng cho khu vực. “Trước đây chưa từng có nhà lãnh đạo Trung Quốc nào đặt Hàn Quốc lên trước Triều Tiên như vậy”, chuyên gia về Hàn Quốc Aidan Foster-Carter thuộc Đại học Leeds - Anh cho hay. Không những thế, ông Tập còn chưa từng tới Bình Nhưỡng cũng như chưa bao giờ chính thức mời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Bắc Kinh.
Như một sự hờn giận - theo cách gọi của báo giới phương Tây - Bình Nhưỡng đã tỏ thái độ thách thức trước thềm chuyến thăm trên bằng hàng loạt các vụ phóng rốc-két và tên lửa trong tuần qua khiến Seoul và Tokyo cực lực phản đối. Ngay trong ngày ông Tập Cận Bình đặt chân đến Seoul, Triều Tiên vẫn lớn tiếng tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện “các vụ phóng tên lửa đạn đạo chiến thuật chính xác cao”, đồng thời gọi đó là “hành động hợp pháp” của quốc gia có chủ quyền.
Vấn đề chương trình hạt nhân của Triều Tiên là một trong những nội dung chính trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 3-7. Tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã tái khẳng định quan điểm về mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, kêu gọi các nỗ lực nhằm nối lại cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên vốn bị đình trệ từ cuối năm 2008. Ngoài ra, theo hãng tin Yonhap, hai nhà lãnh đạo Trung - Hàn còn nhất trí tăng cường quan hệ ngoại giao và kinh tế song phương thông qua việc thường xuyên tổ chức cuộc đối thoại chiến lược cao cấp, nỗ lực hoàn tất thỏa thuận thương mại tự do trong năm nay và thiết lập hệ thống giao dịch trực tiếp cho tiền tệ hai nước. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng mặc dù đều không đồng tình chương trình hạt nhân của Triều Tiên nhưng Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung về cách thức ngăn chặn. Seoul chắc hẳn sẽ muốn Bắc Kinh gây áp lực mạnh hơn với Bình Nhưỡng song Trung Quốc, dù có phần thất vọng với người láng giềng thân cận, cũng chưa có ý định lên giọng chỉ trích trực tiếp đối với người đồng minh có quan hệ từng được ví như “môi hở răng lạnh” kể từ chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Theo giới phân tích, ông Tập cũng muốn tận dụng chuyến công du Hàn Quốc lần này để thắt chặt quan hệ với Seoul trong bối cảnh nhiều nước châu Á có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh đang ngả dần về Mỹ. Cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều mâu thuẫn với Nhật Bản về các vấn đề lịch sử trong khi Nhật Bản đang xác định con đường trở thành đối trọng của Trung Quốc trong khu vực. “Trung Quốc đang tìm cách kéo Hàn Quốc khỏi Nhật Bản và Mỹ càng xa càng tốt… Nhưng Tổng thống Park Geun-hye sẽ không mắc vào nước cờ nham hiểm đó” - ông Chun Yungwoo, cố vấn an ninh quốc gia của cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak, nói với báo The New York Times.
Nhật nới lỏng lệnh trừng phạt Triều Tiên
Chính phủ Nhật Bản hôm 3-7 quyết định nới lỏng một số biện pháp trừng phạt Triều Tiên để đổi lại việc Bình Nhưỡng tiến hành điều tra số phận những công dân Nhật Bản bị bắt cóc vài thập kỷ trước.
Theo hãng tin Reuters, Nhật Bản sẽ dỡ bỏ hạn chế đi lại từ Triều Tiên đến nước này và ngược lại, đồng thời chấm dứt việc giới hạn lượng tiền có thể được gửi hoặc mang tới Triều Tiên mà không cần thông báo với giới chức Nhật Bản. Thêm vào đó, Nhật Bản còn cho phép các tàu Triều Tiên cập cảng vì mục đích nhân đạo. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết: “Đây chỉ là sự khởi đầu. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để có giải pháp toàn diện về vấn đề này”.
Cùng ngày, theo báo Nikkei (Nhật Bản), Triều Tiên đã trao cho Nhật Bản danh tính ít nhất 10 công dân nước này “đang sống tại Bình Nhưỡng”, bao gồm cả những người được cho là bị bắt cóc. Theo tờ báo, Nhật Bản sẽ phân tích những danh tính này để xem chúng có trùng khớp với tên tuổi những người bị bắt cóc hay không. Triều Tiên sau đó sẽ căn cứ vào kết quả phân tích để xác nhận nơi ở của họ. Tuy nhiên, Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga cho biết chính phủ Nhật Bản vẫn chưa nhận được danh sách nào như trên.
Quyết định nới lỏng trừng phạt nói trên được cho rằng ít tác động về mặt kinh tế nhưng có thể là bước đi đầu tiên trong việc cải thiện mối quan hệ đã đóng băng từ lâu giữa Tokyo và Bình Nhưỡng. Dù vậy, Hàn Quốc đã lên tiếng cảnh báo rằng động thái trên của Nhật Bản có thể đang phá hoại những nỗ lực buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Ngoài ra, Trung Quốc có thể không hài lòng khi thấy Triều Tiên cải thiện quan hệ với Nhật Bản, nước đang có quan hệ xấu với Trung Quốc do vấn đề tranh cãi chủ quyền biển đảo.
Xuân Mai
Bình luận (0)