Số ca sinh tại xứ sở kim chi đã giảm xuống 406.300 trong năm ngoái và được dự báo tiếp tục giảm xuống dưới 400.000 ca trong năm nay.
Chưa hết, theo báo Chosun Ilbo (Hàn Quốc), dân số trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 64 tuổi) dự kiến bắt đầu giảm lần đầu tiên trong năm nay sau khi lên mức đỉnh điểm 37,63 triệu người hồi năm ngoái. Dự báo con số này sẽ giảm xuống còn 30,7 triệu người vào năm 2037.
Hàn Quốc cũng sẽ trở thành xã hội lão hóa khi tỉ lệ người dân trên 65 tuổi dự kiến vượt mức 14% vào cuối năm nay, so với mức 13,6% trong tháng 1. Xu hướng này sẽ gây ra sức ép lớn cho quỹ lương hưu và quỹ bảo hiểm y tế. Quỹ Hưu trí Quốc gia (NPS) được dự báo sẽ cạn tiền vào năm 2060 khi số người đóng phí ít đi còn số người nhận tiền lại tăng lên.
Ở chiều ngược lại, số người trong độ tuổi 18 (bắt đầu học ĐH) giảm từ 610.000 hiện nay xuống còn khoảng 400.000 người trong năm 2037 dù chỉ tiêu tuyển sinh vẫn duy trì ở mức 560.000 người. “Chúng ta không thể đóng cửa nhiều trường ĐH. Thay vào đó, các trường đại học có thể được tu sửa thành trung tâm giáo dục dành cho những người trong độ tuổi 40 và 50” - GS Cho Young-tae tại Trường ĐH Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) nói với tờ Chosun Ilbo.
Các học viên học thổi sáo ở trường học dành cho người cao tuổi tại huyện Như Đông, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc Ảnh: The Guardian
Nỗi lo dân số lão hóa không chỉ tồn tại ở Hàn Quốc mà còn lan sang cả Trung Quốc. Quốc gia đông dân nhất thế giới này đang già đi do chính sách một con lâu nay khiến tỉ lệ sinh giảm mạnh cùng với tuổi thọ trung bình được cải thiện. Theo dự báo, hơn 1/4 dân số Trung Quốc (khoảng 500 triệu dân) sẽ trên 65 tuổi vào năm 2050.
Theo báo Guardian (Anh), không nơi nào có thể thấy rõ dân số lão hóa như ở huyện Như Đông, tỉnh Giang Tô. Địa phương này có 1 triệu dân, trong đó 30% người trên 60 tuổi. Số lượng người về hưu tăng cao đã gây “áp lực to lớn” lên các dịch vụ xã hội ở Như Đông. Trong khi đó, kinh tế địa phương đối mặt tình trạng thiếu lao động triền miên khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển nhân viên.
Đối mặt thực trạng này, chính quyền huyện Như Đông đang tăng cường xây dựng nhà dành cho người về hưu, tạo công ăn việc làm và mở trường cho người lớn tuổi. Bà Yu Bing, một bác sĩ về hưu 72 tuổi, là một trong khoảng 570 học viên tại trường học dành cho người cao tuổi ở địa phương. “Chúng tôi đến đây để được hạnh phúc và tận hưởng niềm vui” - bà Yu nói về lớp thổi sáo đang theo học.
Ngôi trường do chính quyền tài trợ này mở nhiều lớp học dành cho người cao tuổi trong khu vực từ học nhảy Latin, văn học cho đến cách sử dụng các điện thoại thông minh. Đây được xem là một trong những biện pháp hữu hiệu để giúp Trung Quốc đối phó với nguy cơ nổ ra cuộc khủng hoảng nhân khẩu học trong nay mai, đe dọa gây nhiều bất ổn cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.
Bình luận (0)