Trang tin tức The Washington Free Beacon dẫn thông báo của hải quân Mỹ cho biết nhóm tàu sân bay do tàu USS Carl Vinson dẫn đầu đã rời TP San Diego hôm 22-8 hướng tới Thái Bình Dương.
Mỹ tăng mạnh lực lượng ở châu Á
Nhóm tàu sân bay này sẽ tuần tra “cả 2 khu vực do hạm đội 5 và 7 phụ trách”. Hạm đội 7 hoạt động trên địa bàn Thái Bình Dương trong khi hạm đội 5 chủ yếu hoạt động ở Trung Đông.
Hộ tống tàu sân bay USS Carl Vinson có tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill và 3 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Gridley, USS Sterett và USS Dewey. Những tàu sân bay này sẽ hoạt động chung với nhóm tàu sân bay USS George Washington đang ở Nhật Bản.
Tàu sân bay USS Carl Vinson
Ảnh: blog.usnavyseals.com
Trước đó không lâu, Đô đốc Jonathan Greenert, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, cho biết Washington đang tăng cường lực lượng hải quân ở châu Á - Thái Bình Dương để “có thể đối phó với bất cứ tình huống khẩn cấp nào tại đây”.
Ông Greenert khẳng định kế hoạch sẽ tiếp tục thực thi chính sách tái cân bằng của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Thái Bình Dương bằng cách gia tăng số lượng tàu chiến Mỹ tại khu vực lên 65 chiếc vào năm 2019, nhiều hơn 15 chiếc so với năm nay.
Ngoài ra, cũng theo trang The Washington Free Beacon, Lầu Năm Góc sẽ tăng số lượng máy bay chiến đấu của Mỹ triển khai tại Okinawa - Nhật Bản và đề nghị Philippines cho phép các chiến đấu cơ Mỹ đồn trú tại các căn cứ ở nước này. Washington cũng sẽ tăng cường viện trợ quân sự cho Manila.
Bắc Kinh phản bác Washington
Động thái trên diễn ra giữa lúc quan hệ Mỹ - Trung lại gặp sóng gió mới bởi cáo buộc máy bay chiến đấu Bắc Kinh vừa áp sát máy bay trinh sát chống ngầm P-8 Poseidon của Washington một cách nguy hiểm. Trung Quốc hôm 23-8 đã gọi cáo buộc trên của Mỹ là “hoàn toàn vô căn cứ”.
Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân khẳng định phi công Trung Quốc duy trì khoảng cách an toàn với máy bay Mỹ, đồng thời thúc giục Washington chấm dứt các chuyến bay do thám nhằm vào Bắc Kinh.
Cũng theo ông Dương, việc Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động giám sát với quy mô lớn ở cự ly gần “đe dọa đến an toàn hàng không và hàng hải giữa 2 nước”. Ông còn kêu gọi Mỹ giảm cường độ của các cuộc do thám ở cự ly gần đối với Trung Quốc và cần tôn trọng các quy định và hiệp ước quốc tế.
Phản ứng trước tuyên bố của Trung Quốc, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby lập lại khẳng định Bắc Kinh đã có hành động gây nguy hiểm trên biển.
Những chỉ trích qua lại nói trên được đưa ra một ngày sau khi Lầu Năm Góc cho biết chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc đã áp sát máy bay P-8 Poseidon của Mỹ và có những màn nhào lộn nguy hiểm xung quanh máy bay này tại vùng biển cách đảo Hải Nam - Trung Quốc 215 km về phía Đông hôm 19-8.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh chiến đấu cơ J-11 chỉ đang làm nhiệm vụ tuần tra thông thường và nói rằng hành động của phi công lái chiếc J-11 là cực kỳ chuyên nghiệp.
Các quan chức Mỹ nhận định những tuyên bố của Trung Quốc tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) vào đầu tháng 8 và hành động ngăn chặn máy bay Mỹ nói trên cho thấy Bắc Kinh không có ý định từ bỏ những đòi hỏi chủ quyền phi lý ở biển Đông, đồng thời gia tăng nỗ lực ngăn chặn sự can dự của Mỹ vào vấn đề này.
Chuyên gia quân sự Mỹ Rich Fisher cho rằng Trung Quốc hy vọng có thể lợi dụng sự phân tâm của Mỹ đối với một loạt cuộc khủng hoảng trên thế giới như Iraq, Ukraine… để đẩy Washington ra khỏi châu Á.
Bình luận (0)