ICG đang tìm cách tiếp cận lãnh sự với ông. Khẳng định với Reuters, ICG cho rằng ông Kovrig bị các nhân viên Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc bắt giữ đêm 10-12 (giờ địa phương).
Ông Kovrig từng là nhà ngoại giao Canada làm việc tại thủ đô Bắc Kinh, sau đó sang làm việc cho ICG kể từ tháng 2-2017. Theo Reuters, các nhà ngoại giao tại Trung Quốc nhận định sự tham gia của Bộ An ninh quốc gia cho thấy khả năng Bắc Kinh đang xem xét các cáo buộc gián điệp nhằm vào ông Kovrig.
Tuy nhiên, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành ICG, ông Robert Malley, nhấn mạnh mọi hoạt động của tổ chức phi lợi nhuận (NGO) có trụ sở ở Bỉ này đều minh bạch. Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho rằng ICG không đăng ký là NGO hoạt động tại Trung Quốc và hoạt động của ông Kovrig có thể đã vi phạm luật Trung Quốc.
Chồng bà Meng Wanzhou đến tham dự phiên tòa cho phép vợ tại ngoại ở TP Vancouver - Canada hôm 11-12 Ảnh: REUTERS
Ông William Nee, nhà nghiên cứu của Tổ chức Ân xá quốc tế, nhận định vụ bắt giữ ông Kovrig đánh dấu lần đầu tiên Bắc Kinh dùng luật về NGO nước ngoài, có hiệu lực hồi tháng 1, để bắt người.
Trong khi đó, cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc, ông Guy Saint-Jacques, không cho rằng trường hợp của ông Kovrig chỉ là sự trùng hợp sau khi giám đốc tài chính hãng thiết bị viễn thông Huawei, bà Meng Wanzhou, bị bắt tại Canada theo yêu cầu của Mỹ.
Theo ông Saint-Jacques, Bắc Kinh muốn phát đi thông điệp nhất định thông qua vụ bắt giữ. Trước đó, Trung Quốc đe dọa Canada sẽ gánh chịu hậu quả nghiêm trọng nếu không lập tức thả bà Meng.
10 ngày sau khi bị bắt ở Canada, bà Meng được tòa án cho bảo lãnh tại ngoại hôm 11-12 trong thời gian nhà chức trách xem xét khả năng dẫn độ bà sang Mỹ. Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc người phụ nữ này vi phạm lệnh trừng phạt Iran của Washington.
Hai nguồn tin cho Reuters biết Mỹ cũng đang cân nhắc đưa ra cảnh báo công dân nước này về việc đến Trung Quốc, kể cả các doanh nhân, sau vụ bắt giữ bà Meng. Theo đài CTV (Canada), chính quyền Ottawa cũng xem xét đưa ra cảnh báo tương tự.
Bình luận (0)