Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ tuần trước cho biết Lầu Năm Góc đang chi 1 tỉ USD mỗi năm để phát triển vũ khí năng lượng trực tiếp nhằm chống lại các mối đe dọa như máy bay không người lái và tên lửa.
Cơ quan này cho biết nhiều nghiên cứu gần đây đã tập trung vào việc chế tạo vũ khí laser đủ nhỏ và nhẹ để một người sử dụng nhưng vẫn đang đối mặt với thách thức trong việc vượt ra khỏi giai đoạn nguyên mẫu.
Tàu chiến Mỹ bắn laser vào mục tiêu huấn luyện năm 2021. Ảnh: SCMP
Vũ khí laser được xem là một giải pháp tốt đối với việc sử dụng máy bay không người lái hàng loạt, vốn xuất hiện trong các cuộc xung đột hiện đại như cuộc chiến ở Ukraine.
Một chùm tia laser có thể gây nhầm lẫn cho cảm biến quang học của máy bay không người lái hoặc làm cháy mục tiêu khi sức mạnh của nó được tăng lên.
Mỹ đã nghiên cứu công nghệ này từ những năm 1960 và là nước đi đầu trong việc phát triển và sử dụng vũ khí năng lượng trực tiếp.
Hồi năm ngoái, Hải quân Mỹ đã lắp đặt tia laser cố định đầu tiên trên tàu khu trục Preble lớp Arleigh Burke. Lockheed Martin, công ty phát triển hệ thống laser nói trên, cho biết loại laser này hữu ích nhất trong việc tấn công máy bay không người lái và tàu cỡ nhỏ.
Trung Quốc cũng đang nghiên cứu sử dụng vũ khí laser và đạt được một số thành công, chẳng hạn như Silent Hunter, một hệ thống chống máy bay không người lái do hãng Poly Technologies phát triển.
Ông Zhou Chenming, nhà nghiên cứu của tổ chức tư vấn khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc phải nỗ lực nhiều hơn nữa để phát triển vũ khí laser công suất cao. Nhà nghiên cứu này nói: "Trung Quốc rất giỏi trong việc chế tạo vũ khí laser nhỏ hơn, chẳng hạn như "Thợ săn thầm lặng" nhưng không có những vũ khí mạnh hơn có thể đánh chặn các mục tiêu lớn hơn như tên lửa hoặc những vũ khí có thể lắp đặt trên tàu hải quân".
Ông Zhou nhận định Trung Quốc có thể phát triển công nghệ laser theo hướng này hoặc trang bị vũ khí laser cho máy bay chiến đấu vì chúng có thể được sử dụng trên cao và ít bị ảnh hưởng bởi mưa bụi.
Ông Song Zhongping, cựu huấn luyện viên của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), cho biết Trung Quốc nên đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu vũ khí năng lượng trực tiếp.
Ông Song nhấn mạnh: "Laser là một phần quan trọng của công nghệ hiện đại. Trung Quốc không chỉ cần công nghệ laser mà còn phải ứng dụng laser trong một số lĩnh vực nhất định, chẳng hạn như chiến trường".
Bình luận (0)