Hồi tháng 1-2016, Bộ trưởng Tư pháp Kenya cho biết Bắc Kinh yêu cầu nước này dẫn độ “76 công dân Trung Quốc” về nước để xét xử. Tất cả đều là tội phạm mạng, bị cáo buộc tội danh sở hữu thiết bị thông tin vô tuyến không có giấy phép.
Tuy nhiên, Đài Loan khẳng định trong số 76 nghi phạm nói trên có một số người Đài Loan, đồng thời cho biết 23 người Đài Loan được tòa Kenya tuyên trắng án hôm 5-4 và được cho thời hạn 21 ngày để rời khỏi Kenya.
Sau đó, Trung Quốc gây áp lực buộc cảnh sát bản địa dẫn 8 người Đài Loan lên một máy bay thẳng tiến về đại lục hôm 8-4.
Trong một tuyên bố, Cơ quan Ngoại giao Đài Loan chỉ trích hành động của Trung Quốc là "thiếu văn minh", đồng thời cho rằng đây là một vụ bắt cóc trái phép, vi phạm nghiêm trọng các quyền cơ bản của con người. Đài Loan đã yêu cầu Trung Quốc thả người ngay lập tức.
Đảng Dân tiến Đài Loan (DPP) cho biết đang cân nhắc vấn đề này, bên cạnh việc đòi Bắc Kinh hồi hương “người của chúng tôi và đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho họ”.
Cơ quan Ngoại giao Đài Loan đã cử nhân viên từ văn phòng đại diện Nam Phi tới giải quyết do không có văn phòng thường trực tại Kenya. Khi Reuters liên lạc, Văn phòng các vấn đề ngoại giao Đài Loan của Trung Quốc nói "đang tìm hiểu vấn đề", còn Bộ Công an Trung Quốc không trả lời.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tại cuộc họp báo hôm 11-4 cho hay ông cần “xem xét thêm tình hình” trước khi đưa ra câu trả lời. Các quan chức Kenya cũng không bình luận.
Quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc được cải thiện mau chóng kể từ khi nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu lên nắm quyền vào năm 2008. Hai bên khi đó ký một loạt thỏa thuận thương mại và kinh doanh.
Tuy nhiên, sau khi bà Thái Anh Văn và DPP chiến thắng trong cuộc bầu cử lãnh đạo hồi tháng 1 năm nay, Trung Quốc gia tăng thái độ dè chừng Đài Loan.
Tháng trước, Trung Quốc nối lại quan hệ với cựu đồng minh Đài Loan, Gambia – quốc gia ở Tây Phi. Theo Reuters, hai bên trong những năm qua thường lôi kéo đồng minh của nhau bằng các gói viện trợ hào phóng.
Bình luận (0)