Mô hình tàu vũ trụ Thần Châu-9 ghép với với mô-đun phòng thí nghiệm Thiên Cung-1. Phiên bản thật đã được phóng lên quỹ đạo trái đất hồi tháng 9-2011. Ảnh: Reuters
Trạm không gian đầu tiên của Trung Quốc này được phóng hồi tháng 9-2011. Theo kế hoạch ban đầu, nó sẽ trở về Trái Đất bằng cách rơi có kiểm soát xuống biển nhưng tháng 3 vừa qua, Thiên Cung-1 đột ngột ngưng liên lạc khiến giới quan sát cho rằng sự trở về trái đất của trạm không gian này sẽ không êm ái như dự kiến.
Trong cuộc họp báo hôm 20-9, bà Wu Ping, Phó Giám đốc Văn phòng Công nghệ Không gian Trung Quốc, cho hay phần lớn các bộ phận của Thiên Cung-1 sẽ tan rã trong khí quyển và ít đe dọa tới người dân trên trái đất.
“Dựa vào những tính toán và phân tích, chúng tôi khẳng định hầu hết các bộ phận của trạm không gian sẽ nóng chảy trong quá trình rơi” – bà Wu nói với Tân Hoa xã.
Tuyên bố của bà Wu dường như là sự xác nhận đầu tiên từ phía Bắc Kinh với những nghi vấn lan rộng rằng Trung Quốc đã mất kiểm soát với Thiên Cung-1. Bởi nếu nó vẫn hoạt động đúng kế hoạch thì cơ quan điều khiển có thể đưa ra thời điểm cụ thể khi nó về trái đất hoặc chủ động thiêu rụi nó trong khí quyển.
Cũng trong cuộc họp báo, giới chức trách khẳng định sẽ giám sát chặt chẽ quỹ đạo của Thiên Cung-1 để xem nó sẽ rơi khi nào và ở đâu.
Theo RT, trong 5 năm hoạt động, Thiên Cung-1 đã tiến hành các sứ mệnh quan sát với nhiều hiện tượng thiên nhiên trên trái đất, trong đó có các vụ cháy rừng ở Úc, lụt lội ở tỉnh Chiết Giang.
Trung Quốc đã kỳ vọng có thể dùng Thiên Cung-1 để bắt đầu xây dựng một trạm vũ trụ không gian cạnh tranh với Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Bình luận (0)