Theo South China Morning Post hôm 15-10, ông Tạ Phong nói với đài truyền hình CCTV (Trung Quốc) rằng trường hợp của bà Mạnh cũng được đưa ra trong các cuộc hội đàm giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bà Mạnh bị bắt tại Canada vào tháng 12-2018 theo yêu cầu của Mỹ, quốc gia muốn dẫn độ bà về tội gian lận liên quan đến các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Bà được trả tự do vào tháng 9 năm ngoái sau khi đạt được thỏa thuận với chính phủ Mỹ, dẫn đến yêu cầu dẫn độ bị hủy bỏ.
Giám đốc tài chính Tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu về nước hồi năm ngoái. Ảnh: Tân Hoa Xã
Trước đó, Trung Quốc cho biết việc thả bà Mạnh nằm trong số các yêu cầu mà họ đưa ra trong cuộc đàm phán ở Thiên Tân vào tháng 7 năm ngoái. Đến hôm 13-10 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói với CCTV rằng: "Trả tự do cho bà Mạnh Vãn Chu là yêu cầu đầu tiên trong danh sách các mối quan tâm chính của Trung Quốc liên quan đến một số trường hợp cá nhân".
Ông Tạ Phong nói rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói chuyện với Tổng thống Joe Biden trước phán quyết của tòa án Canada về yêu cầu dẫn độ bà Mạnh.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho hay: "Vào thời điểm quan trọng hồi năm ngoái khi tòa án Canada chuẩn bị ra phán quyết về trường hợp bà Mạnh, Chủ tịch Tập Cận Bình một lần nữa nói chuyện với Tổng thống Mỹ Joe Biden, yêu cầu có giải pháp thích hợp. Cuối cùng, bà Mạnh đã được thả và trở về Trung Quốc mà không nhận tội và không bị án phạt".
Ngay sau khi bà Mạnh về nước, hai công dân Canada là Michael Spavor và Michael Kovrig - những người bị giam giữ ở Trung Quốc vài ngày sau khi bà Mạnh bị bắt và bị kết tội làm gián điệp - cũng được thả ra.
Theo SCMP, bà Mạnh - con gái của người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi - đã bị chính quyền Mỹ cáo buộc sử dụng công ty con của Huawei là Skycom để kinh doanh tại Iran, từ đó vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Một tòa án ở New York đã ban hành lệnh bắt giữ bà vào tháng 8-2018. Bà bị bắt vào ngày 1-12 năm đó theo yêu cầu của nhà chức trách Mỹ khi bà lên máy bay ở Vancouver - Canada.
Vào tháng 1-2019, Bộ Tư pháp Mỹ công bố 13 cáo buộc hình sự đối với Huawei, bà Mạnh và các chi nhánh của họ tại Mỹ và Hồng Kông, đồng thời gửi yêu cầu dẫn độ chính thức tới các cơ quan chức năng của Canada. Vào tháng 9-2021, bà được trả tự do sau khi đồng ý với một thoả thuận không truy tố với tòa án Mỹ, gồm việc thừa nhận đã cố ý gian dối với tập đoàn ngân hàng HSBC về các giao dịch của Huawei với Iran.
Bình luận (0)