Thông tin trên được tờ Financial Times hôm 16-10 trích dẫn từ lời 5 quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ về vụ thử nói trên.
Các quan chức này cho biết Trung Quốc phóng một tên lửa Trường Chinh 2C lên không gian vào tháng 8, mang theo phương tiện lướt siêu vượt âm có thể trang bị đầu đạn hạt nhân.
Thông tin về vụ phóng không được Bắc Kinh công bố, trái ngược với các đợt phóng tên lửa Trường Chinh 2C trước và sau đó.
Các nguồn tin tiết lộ tên lửa bay ở quỹ đạo thấp trước khi lao xuống mục tiêu, cách nó 24 km.
Họ cho biết mẫu phương tiện lướt siêu vượt âm Trung Quốc thử nghiệm hồi tháng 8 có thể bay nhiều vòng quanh Trái Đất ở quỹ đạo thấp, sau đó trở lại khí quyển và lao xuống mục tiêu với tốc độ lớn từ những hướng không ngờ tới, đặt ra thách thức không nhỏ với mạng lưới phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Hai nguồn tin nói với Financial Times rằng Trung Quốc đã đạt được "tiến bộ đáng kinh ngạc về vũ khí siêu thanh và tiên tiến hơn nhiều so với những gì các quan chức Mỹ biết được".
Bộ Quốc phòng Mỹ chưa bình luận về thông tin nêu trên.
Tàu khu trục tên lửa Cáp Nhĩ Tân DDG-112 của Trung Quốc trong cuộc tập trận hải quân chung với Nga ở vùng biển Hoàng Hải. Ảnh: Tân Hoa Xã
Trước đó, John Kirby, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết Mỹ coi Trung Quốc là "thách thức tốc độ" số một khi hai nước đang nỗ lực phát triển vũ khí siêu thanh di chuyển với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh.
Ông Kirby nói: "Chúng tôi đã nói rõ những lo ngại của mình về những khả năng quân sự mà Trung Quốc tiếp tục theo đuổi, những khả năng chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và hơn thế nữa".
Đáp lời, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, ông Lưu Bằng Vũ, cho biết Trung Quốc không có chiến lược toàn cầu hoặc kế hoạch hoạt động quân sự. Ông này khẳng định Trung Quốc không quan tâm đến việc chạy đua vũ trang với các nước khác.
Theo tờ Washington Examiner, đến nay Trung Quốc đã thử nghiệm 79 tên lửa Trường Chinh 2C.
Nga, Mỹ, Trung Quốc và ít nhất 5 quốc gia khác đang phát triển vũ khí siêu vượt âm, trong đó Moscow và Bắc Kinh đã biên chế một số loại tên lửa siêu vượt âm hoặc tên lửa mang đầu đạn lướt nhằm đối phó với Washington. Tên lửa siêu vượt âm là vũ khí có tốc độ tối thiểu gấp 5 lần âm thanh (Mach 5), tương đương hơn 6.200 km/giờ.
Ông Taylor Fravel, Giáo sư chính trị học tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), cảnh báo về nguy cơ gây bất ổn nếu Trung Quốc phát triển và triển khai đầy đủ loại vũ khí như vậy. Thế nhưng, theo ông, một cuộc thử nghiệm không nhất thiết có nghĩa là Bắc Kinh sẽ triển khai khả năng này.
Các quan chức quân sự Mỹ trong những tháng gần đây đã cảnh báo về khả năng hạt nhân ngày càng tăng của Trung Quốc, đặc biệt là sau khi công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy họ đang xây dựng hơn 200 hầm chứa tên lửa xuyên lục địa.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng khi chính quyền Tổng thống Joe Biden có động thái cứng rắn với Bắc Kinh, vốn cáo buộc Washington có thái độ thù địch quá mức.
Bình luận (0)