Sau một thời gian căng thẳng, quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên dường như ấm lại đôi chút nhờ chuyến thăm Bắc Kinh của ông Ri Su-yong, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên (WPK), từ ngày 31-5.
Không từ bỏ hạt nhân
Tiếp ông Ri hôm 1-6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tỏ thái độ khá mềm mỏng khi khẳng định Bắc Kinh xem trọng việc phát triển quan hệ hữu nghị với Bình Nhưỡng, đồng thời kêu gọi “sự bình tĩnh và kiềm chế” để bảo vệ hòa bình, ổn định của khu vực. Đáng chú ý, theo bản tin của Tân Hoa Xã, ông Tập không đả động gì đến vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên - cái gai giữa hai nước thời gian qua.
Mong muốn “củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống” giữa hai nước cũng là một phần thông điệp của nhà lãnh đạo Kim Jong-un được ông Ri mang đến Bắc Kinh. Tuy nhiên, ngay tại cuộc gặp ông Tập, theo hãng thông tấn KCNA, quan chức này tiếp tục nói cứng rằng Triều Tiên vẫn duy trì chính sách phát triển song song chương trình hạt nhân và kinh tế.
Tờ The New York Times dẫn lời giới phân tích Trung Quốc cho rằng ông Ri đến Bắc Kinh để thông báo kết quả đại hội WPK diễn ra hồi đầu tháng 5. Một nhiệm vụ khác có thể là tìm cách hàn gắn mối quan hệ bị rạn nứt nghiêm trọng bởi các vụ thử hạt nhân, phóng tên lửa của Triều Tiên từ đầu năm đến giờ. Không rõ kết quả chuyến thăm ra sao song tờ Global Times ngày 2-6 thừa nhận Bắc Kinh “không thể đạt được đột phá” trong nỗ lực kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Lời lẽ nêu trên có thể khiến Mỹ thất vọng bởi Washington muốn Trung Quốc gia tăng áp lực để buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân. Đây sẽ là một nội dung thảo luận quan trọng tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung ở Bắc Kinh vào tuần tới. Trung Quốc dù nhất trí với các biện pháp trừng phạt cứng rắn chưa từng có của Liên Hiệp Quốc nhằm vào Triều Tiên hồi tháng 3 nhưng vẫn không muốn thấy đồng minh “cứng đầu” này sụp đổ trong hỗn loạn.
“Trận chiến 200 ngày”
Ngoài việc tìm kiếm sự hợp tác từ Trung Quốc, Washington còn tăng cường nỗ lực ngăn Triều Tiên sử dụng hệ thống tài chính Mỹ và thế giới để tài trợ chương trình hạt nhân. Theo tờ The Wall Street Journal, Bộ Tài chính Mỹ hôm 1-6 xem Triều Tiên là “mối lo ngại lớn về rửa tiền” và có những bước đi nhằm cấm ngân hàng bên ngoài nước Mỹ xử lý những giao dịch bằng đồng USD cho Bình Nhưỡng, qua đó phong tỏa hoạt động giao thương quốc tế của họ.
Hành động này chắc chắn làm tăng sức ép lên Triều Tiên nhưng cũng có thể gây thêm rắc rối cho quan hệ Mỹ - Trung. Bắc Kinh hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng nên các công ty Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng bởi quyết định trên. Chưa gì mà người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã phản đối bất kỳ hành động trừng phạt đơn phương nào có thể khiến bán đảo Triều Tiên thêm căng thẳng.
Trong khi đó, Triều Tiên hôm 1-6 bắt đầu “trận chiến” kéo dài 200 ngày nhằm khởi động kế hoạch kinh tế 5 năm vừa được ông Kim Jong-un công bố tại đại hội WPK. Kế hoạch này đề ra mục tiêu tham vọng là thúc đẩy sản xuất trong mọi lĩnh vực kinh tế nhưng lại không nêu rõ những biện pháp cụ thể.
“Trận chiến 200 ngày là sự bảo đảm cho chính sách của đảng, mở ra bước đột phá để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế 5 năm” - tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận chính thức của WPK, nêu rõ. Tuy nhiên, hiện chưa rõ các cá nhân, tổ chức phải làm gì trong thời gian tiến hành “trận chiến”. Trước đó một tháng, chiến dịch đẩy mạnh sản xuất kéo dài 70 ngày nhân dịp đại hội WPK đã khép lại.
Bình luận (0)