Cụ thể, Đại sứ Sun Weidong nói bất kỳ nỗ lực nào nhằm "ngăn chặn và trấn áp Trung Quốc" sẽ "thất bại". Ông Sun đưa ra phát ngôn trên vài ngày sau khi lãnh đạo của nhóm Đối thoại An ninh Tứ giác (gọi tắt là Quad) tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên ở Washington - Mỹ.
"Điều đáng chú ý là một số quốc gia đang đi ngược lại xu hướng. Vì ích kỷ, họ giữ tâm lý chiến tranh lạnh, tìm kiếm các "nhóm nhỏ" và liên minh quân sự khép kín nhằm vào bên thứ ba, gây ra các cuộc chạy đua vũ trang, căng thẳng, chia rẽ và tạo đối đầu, biến châu Á - Thái Bình Dương thành một đấu trường của các cường quốc và làm mất ổn định thế giới. Những hành động này sẽ không được ủng hộ và không có kết quả" - trích lời ông Sun trong 1 cuộc họp trực tuyến hôm 29-9.
Đại sứ Trung Quốc cảnh báo: "Ấn Độ nên duy trì quyền tự chủ chiến lược của mình và không tham gia các liên minh khép kín hoặc bán liên minh chống lại nhau".
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Quad hôm 24-9. Ảnh: AP
Trong hội nghị thượng đỉnh ở Washington vào tuần trước, 4 nhà lãnh đạo của Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ đã lặp lại cam kết đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, "không bị ép buộc". Đây là một lời chỉ trích kín đáo nhắm vào Trung Quốc.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã xấu đi từ tháng 6-2020 khi một cuộc giao tranh nổ ra giữa quân đội 2 nước tại biên giới tranh chấp phía Tây dãy Himalaya. Ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc đã thiệt mạng trong vụ việc này.
Dù đã đàm phán lâu nay nhưng 2 nước không đạt được nhiều tiến triển và tình trạng bất ổn vẫn tiếp diễn. Có nhiều báo cáo cho thấy 2 bên đang tăng cường quân đội về biên giới, làm dấy lên lo ngại họ có thể đụng độ một lần nữa trước mùa đông.
Trong 1 diễn biến khác, ngày 30-9, một công ty Ấn Độ đã ký thỏa thuận trị giá 700 triệu USD để xây dựng một cảng container nước sâu chiến lược tại Sri Lanka, động thái được xem là để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Cơ quan quản lý cảng Sri Lanka (SLPA) cho biết họ đã ký thỏa thuận với Tập đoàn Adani của Ấn Độ để xây dựng một cảng biển mới bên cạnh cầu cảng trị giá 500 triệu USD do Trung Quốc điều hành ở thủ đô Colombo.
Bình luận (0)