Bloomberg ngày 10-8 bình luận trong khi hầu hết thế giới đang học cách sống chung với dịch Covid-19, Trung Quốc lại muốn loại bỏ hoàn toàn dịch bệnh này khiến nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu có thể bị cô lập trong nhiều năm tới.
Ngày 20-7, Trung Quốc ghi nhận đợt bùng phát Covid-19 mới nhất bắt nguồn từ TP Nam Kinh. Tới nay, hơn một nửa trong số 31 tỉnh của Trung Quốc báo cáo ca mắc liên quan tới biến thể Delta, buộc nước này tiếp tục kiểm soát chặt biên giới, hạn chế du lịch và xét nghiệm hàng loạt trên toàn quốc.
Theo Bloomberg, về ngắn hạn, Trung Quốc sẽ chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt ít nhất là vào năm tới bởi không muốn làm trật bánh Thế vận hội mùa đông.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm ở thủ đô Bắc Kinh ngày 9-8. Ảnh: Bloomberg
Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể phải trả giá về kinh tế và chính trị trong việc duy trì chính sách đó vô thời hạn, đặc biệt là khi virus SARS-CoV-2 có thể tạo ra các biến thể mới. GS dịch tễ học Chen Zhengming tại Trường ĐH Oxford (Anh) cho rằng sớm hay muộn, Trung Quốc cũng phải thay đổi chiến lược ngăn chặn dịch Covid-19.
Tuần trước, cựu Bộ trưởng Y tế Trung Quốc Gao Qiang kêu gọi thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn để loại bỏ dịch Covid-19 ra khỏi Trung Quốc trong khi trích dẫn Mỹ, Anh và các quốc gia khác "lãnh hậu quả nghiêm trọng" vì nới lỏng hạn chế quá sớm.
"Sự phụ thuộc vào tiêm chủng và theo đuổi cái gọi là "sự tồn tại cùng virus" đã khiến virus hồi sinh. Đây là một sai lầm" - ông Gao viết.
Sau tuyên bố này, BS Zhang Wenhong, giám đốc bộ phận bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Hoá Sơn Thượng Hải, lập tức hứng chịu chỉ trích của cư dân mạng vì theo đuổi cách tiếp cận "sống chung với dịch Covid-19".
"Chính sách Covid-19 của Trung Quốc sẽ dẫn đến môi trường trong nước tương đối an toàn nhưng cái giá phải trả là Trung Quốc sẽ bị cô lập. Bài viết của ông Gao cho thấy Trung Quốc sẵn sàng trả giá" - ông Zhang Zhiwei, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty Pinpoint Asset Management, cho biết ngày 8-8.
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất tìm cách loại bỏ hoàn toàn dịch Covid-19. Úc và New Zealand cũng theo đuổi chiến lược tương tự được đặt tên là "Covid Zero".
Bình luận (0)