Các cơ quan và chuyên gia không gian đều theo dõi sít sao quỹ đạo của tên lửa này để dự đoán điểm rơi của nó khi tái xâm nhập bầu khí quyển 1 cách mất kiểm soát. Trong khi đó, tại Trung Quốc, cơ quan không gian của nước này lại giữ im lặng suốt nhiều ngày trong khi bị chỉ trích vì cho phép 1 tên lửa lớn như Trường Chinh 5B rơi tự do xuống Trái Đất.
Cuối cùng, vào sáng 9-5 (giờ địa phương), Văn phòng Kỹ thuật Không gian Có người lái Trung Quốc cũng phá vỡ im lặng bằng cách xác nhận tàn dư của tên lửa đã lao xuống Ấn Độ Dương, gần Maldives, sau khi bị cháy gần hết trên đường rơi xuống.
Đối với nhiều người theo dõi Trường Chinh 5B, họ cảm thấy nhẹ nhõm khi nghe tin tức trên. Tại Trung Quốc, Trường Chinh 5B không chỉ được coi là minh chứng cho thiết kế của tên lửa mà còn được truyền thông nước này sử dụng để lập luận rằng sự chú ý dồn dập của toàn cầu chỉ là nỗ lực của phương Tây nhằm làm mất uy tín và cản trở sự phát triển của chương trình không gian Trung Quốc.
Tên lửa Trường Chinh 5B trên quỹ đạo quanh Trái Đất. Ảnh: Twitter
"Sự cường điệu và bôi nhọ của họ thật vô ích" - tờ Thời báo Hoàn cầu viết trong ấn bản hôm 9-5. Tờ báo này cáo buộc các nhà khoa học Mỹ và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) "hành động trái lương tâm" và "phản trí thức".
"Những người này ghen tị với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ không gian Trung Quốc. Một số người thậm chí còn cố sử dụng những ồn ào họ tạo ra để cản trở và can thiệp vào những lần phóng tên lửa tiếp theo của Trung Quốc để xây dựng trạm không gian" - trích tờ Thời báo Hoàn cầu.
Từ lâu Bắc Kinh đã cáo buộc các nước phương Tây và truyền thông bôi nhọ nước này và thường xuyên có phản ứng dân tộc chủ nghĩa trước mọi chỉ trích. Phản ứng mạnh mẽ này đặc biệt rõ ràng khi có liên quan tới chương trình không gian của Trung Quốc, một điểm quan trọng của niềm tự hào dân tộc đối với công chúng Trung Quốc.
Dù chỉ trích phương Tây vì "chiến dịch bôi nhọ", truyền thông Trung Quốc và các chuyên gia không gian lại bỏ qua việc giải thích vì sao Trường Chinh 5B lại là mối lo ngại với các nhà khoa học toàn cầu.
Bình luận (0)