Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khóa XIX đã chính thức khai mạc hôm 8-11 tại thủ đô Bắc Kinh.
Tại hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình thay mặt Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ báo cáo công tác của Bộ Chính trị và làm rõ dự thảo nghị quyết về những thành tựu trọng đại và kinh nghiệm lịch sử 100 năm của ĐCSTQ.
Theo giới phân tích, nghị quyết dự kiến được đưa ra sau cuộc họp kín kéo dài 4 ngày này (từ ngày 8 đến 11-11) sẽ định hình tình hình chính trị và xã hội Trung Quốc trong nhiều thập kỷ tới, thậm chí ảnh hưởng tới cả thế giới.
Nếu được thông qua, đây sẽ là lần thứ ba ĐCSTQ ban hành một nghị quyết mang tính lịch sử. Hai nghị quyết có sức ảnh hưởng to lớn trước đó được đưa ra vào các năm 1945 và 1981. Văn kiện nói trên cũng được công bố tại sự kiện chính trị lớn đầu tiên sau lễ kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ (1921-2021).
Theo Tân Hoa xã, nghị quyết mới sẽ định hướng cách thức giảng dạy và miêu tả lịch sử Trung Quốc, đồng thời khẳng định sự thành công mà các chính sách của Trung Quốc đã mang lại dưới sự lãnh đạo của ông Tập. Chương trình nghị sự của hội nghị được giữ kín và thông cáo về cuộc thảo luận cũng như các nghị quyết chỉ được công bố sau khi sự kiện kết thúc.
Hàng vạn người tập trung ở Quảng trường Thiên An Môn mừng lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 7 năm nay Ảnh: REUTERS
Hội nghị toàn thể lần thứ 6 nói trên cũng tạo tiền đề cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XX diễn ra vào năm 2022, thời điểm ông Tập Cận Bình được cho là sẽ tiếp tục vai trò lãnh đạo nhiệm kỳ thứ ba, củng cố vị trí là một trong những nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc kể từ thời cố Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Trước thềm hội nghị, Tân Hoa xã mô tả Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình là người có tư duy và cảm xúc sâu sắc, một người thừa kế di sản nhưng dám đổi mới và có tầm nhìn tương lai, làm việc không mệt mỏi.
Các chuyên gia Trung Quốc về lịch sử và chính trị nhận định trong 3 thập kỷ qua, ĐCSTQ thường thông qua phiên họp toàn thể thứ 6 để giải quyết các vấn đề quan trọng, đặc biệt là bổ nhiệm nhân sự, hệ tư tưởng và xây dựng đảng.
Ông Yang Xuedong, giáo sư khoa học chính trị tại Trường ĐH Thanh Hoa, nói với tờ Global Times: "Nghị quyết thứ ba rất được mong đợi vì việc ĐCSTQ đạt được đồng thuận về các vấn đề lịch sử và truyền cảm hứng cho các đảng viên hoàn thành nhiệm vụ là điều rất quan trọng". Theo ông Yang, nghị quyết này dự kiến bao gồm nhiều nội dung hơn so với 2 lần trước nhằm tổng kết lịch sử 100 năm của ĐCSTQ.
Trước đó, trong bài phát biểu kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ hôm 1-7, Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhấn mạnh Bắc Kinh đã hoàn thành "mục tiêu 100 năm" đầu tiên là xây dựng xã hội toàn diện khá giả và đang tiến những bước hướng đến "mục tiêu 100 năm" thứ hai là xây dựng Trung Quốc thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại về mọi mặt.
Theo Tân Hoa xã, để hiện thực hóa bước thứ hai của tiến trình trẻ hóa đất nước, nền kinh tế thứ hai thế giới cần hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa một cách cơ bản vào năm 2035 và phấn đấu trở thành nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, thịnh vượng, giàu mạnh, dân chủ, văn hóa tiên tiến vào giữa thế kỷ XXI, khoảng năm 2049.
Bình luận (0)