Lệnh trừng phạt được áp dụng theo sau nghị quyết trừng phạt do Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) thông qua ngày 2-3 vừa qua. Theo đó, Bắc Kinh sẽ hạn chế nhập khẩu than của Bình Nhưỡng và giảm lượng nhiên liệu máy bay cùng các sản phẩm dầu mỏ khác được dùng để chế tạo nhiên liệu tên lửa bán sang Bình Nhưỡng.
Trong số các khoáng sản bị Trung Quốc cấm nhập khẩu, có nhiều loại đóng vai trò là nguồn thu chính của Triều Tiên, như than đá, sắt, vàng, titan và đất hiếm.
Mặc dù Trung Quốc vẫn cho phép nhập khẩu một số khoáng sản Triều Tiên cho mục đích dân sự nhưng tất cả hoạt động thương mại liên quan tới chương trình tên lửa hoặc hạt nhân của Triều Tiên đều bị cấm.
Việc cấm bán nhiên liệu máy bay có thể khiến hãng hàng không nhà nước Triều Tiên Air Koryo "xếp cánh".
Động thái của Bắc Kinh diễn ra sau Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân tổ chức ở Washington – Mỹ hồi tuần trước. Ở đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhất trí cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Ông Tập nhấn mạnh Trung Quốc và Mỹ có trách nhiệm làm việc cùng nhau để giải quyết bài toán hóc búa nói trên. Hạt nhân Triều Tiên là một trong những vấn đề được thảo luận nhiều nhất trong các chương trình nghị sự, cũng là mấu chốt khiến tình trạng “bán chiến tranh” trên bán đảo Triều Tiên chưa được hóa giải.
Các biện pháp trừng phạt của LHQ được áp đặt đối với Triều Tiên từ năm 2006 liên quan tới các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa.
Sau khi bỏ phiếu thông qua lệnh trừng phạt Triều Tiên cứng rắn nhất trong 2 thập kỷ trở lại đây hôm 2-3, Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power nói rõ hầu như tất cả nguồn lực của Triều Tiên đều dành cho kế hoạch theo đuổi “thiếu thận trọng và không ngừng” các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Cũng trong ngày 5-4, hai đặc phái viên hạt nhân hàng đầu của Nhật Bản và Trung Quốc đã đồng ý phối hợp chặt chẽ để thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên được LHQ đưa ra.
Tại cuộc gặp với Vụ trưởng Vụ châu Á và châu Đại dương Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ông Kimihiro Ishikane, đặc phái viên Trung Quốc về các vấn đề Triều Tiên Vũ Đại Vĩ cho biết ông đã trao đổi về việc nối lại cuộc đàm phán 6 bên để chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Cuộc đàm phán đang bị đình trệ này có sự tham dự của các nước Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ.
Bình luận (0)