Thế rồi, một vụ thử hạt nhân, một vụ phóng tên lửa tầm xa và những lời đe dọa đầy “chết chóc” của Triều Tiên khiến tình hình thay đổi. Trung Quốc trở thành người đóng vai trò trung tâm trong những biện pháp cấm vận mới của Liên Hiệp Quốc chống Bình Nhưỡng. Các chuyên gia Trung Quốc xem đó như sự thay đổi quan trọng trong chính sách của Bắc Kinh đối với người láng giềng.
Cùng thời gian này, báo chí Trung Quốc gọi Triều Tiên là “cái của nợ” bạc nghĩa và không đáng tin cậy. Các doanh nhân và quan chức có nhiệm vụ thiết lập quan hệ thương mại với đối tác Triều Tiên thì không muốn nói về đất nước này. Không ai nghĩ Trung Quốc sẽ từ bỏ chế độ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhưng một mối quan hệ từng được xem như “môi với răng” đang rơi vào tình trạng nguy hiểm khi sự thất vọng của Bắc Kinh tăng lên.
“Tôi nghĩ sự thay đổi trong chính sách của Trung Quốc đối với Triều Tiên là điều khác thường” - Chu Phong, Giám đốc chương trình An ninh Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, nhận xét. Ông Chu cho rằng Trung Quốc đang đặt hy vọng vào sức ép ngoại giao để Triều Tiên thay đổi cách hành xử. “Rốt cuộc thì Bắc Kinh cũng đã nhận ra sự thật. Tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, rõ ràng là Bắc Kinh đã chuyển sang chính sách cứng rắn hơn khiến Triều Tiên bị tổn thương nặng” - ông Chu đánh giá.
Trung Quốc vẫn thường nói rõ họ không tin các biện pháp trừng phạt sẽ giải quyết được cuộc khủng hoảng mới nhất về Triều Tiên - một lập trường đã được Ngoại trưởng Dương Khiết Trì lặp đi lặp lại. Thế nhưng, sau vụ thử hạt nhân thứ 3 của Bình Nhưỡng vào ngày 12-2, Bắc Kinh đã dàn xếp những biện pháp trừng phạt mới với Washington và muốn nó được thực thi một cách đầy đủ. Các biện pháp trừng phạt, được thông báo hôm 7-3 vừa qua, bao gồm siết chặt những giới hạn về tài chính, ra lệnh kiểm tra bắt buộc đối với hàng hóa khả nghi và tăng cường lệnh cấm đối với hàng xa xỉ nhập vào Triều Tiên.
Trung Quốc dường như không còn kiên nhẫn sau nhiều năm thuyết phục Bình Nhưỡng đi theo đường lối cải cách kinh tế và tránh bị cô lập. Tuy nhiên, để thực hiện điều đó, khác với cha và ông nội, Kim Jong-un đã không thể hiện được lòng trung thành với Trung Quốc. Thậm chí, ông còn không đi thăm Trung Quốc từ khi lên nắm quyền sau cái chết của cha là Kim Jong-il hồi cuối năm 2011.
Mới đây, ngày 8-3, Thời báo Hoàn Cầu kêu gọi Trung Quốc cắt đứt (quan hệ) hoàn toàn với Triều Tiên. Tờ báo cảnh báo rằng Bình Nhưỡng không nên đánh giá thấp sự giận dữ của Trung Quốc. “Tình “hữu nghị” giữa Trung Quốc và Triều Tiên hiển nhiên là không thể được quyết định bởi tính khí của Bình Nhưỡng” - tờ báo viết trong một bài xã luận.
Bình luận (0)