Là quốc gia chứng kiến dịch bệnh khởi phát, Trung Quốc khiến cả thế giới quan tâm khi dường như đang khống chế được nó, ít ra là qua những số liệu chính thức được công bố. Số lượng ca mắc Covid-19 mới đang giảm đáng kể ở quốc gia đông dân nhất thế giới những ngày gần đây, trái với những gì xảy ra bên ngoài.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đánh giá những biện pháp khống chế của Trung Quốc có thể đã giúp thêm hàng trăm ngàn người không bị lây nhiễm.
Ông Bruce Aylward, người đứng đầu nhóm chuyên gia WHO đến Trung Quốc, nói thêm chính hướng tiếp cận táo bạo của Bắc Kinh đã đảo chiều sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh chết chóc này.
Một khu vực bị phong tỏa ở TP Vũ Hán, tâm điểm của dịch Covid-19 ở Trung Quốc, hôm 3-3. Ảnh: Reuters
Trung Quốc cũng nhấn mạnh các biện pháp khống chế của mình, trong đó có phong tỏa tỉnh Hồ Bắc (tâm điểm của dịch bệnh), cách ly nghiêm ngặt và hạn chế đi lại đối với hàng trăm triệu công dân mình đang tỏ ra hiệu quả.
Ông William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường ĐH Vanderbilt (Mỹ) nhận định những số liệu mới nhất ở Trung Quốc cho thấy các biện pháp kiểm dịch mạnh mẽ một khi được thực hiện đầy đủ có thể ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và điều này giúp thế giới có thêm thời gian tìm biện pháp tiêu diệt nó.
Đổi lại, các biện pháp quyết liệt của Trung Quốc cũng khiến cuộc sống người dân bị xáo trộn mạnh mẽ. Hoạt động kinh tế tại nhiều nơi cũng bị đình trệ và không ít doanh nghiệp nhỏ cảnh báo về nguy cơ hết tiền mặt.
Binh sĩ và cảnh sát tại nhà ga chính của TP Milan hôm 7-3 khi nhà chức trách Ý chuẩn bị phong tỏa vùng Lombardy để ngăn dịch Covid-19 lây lan. Ảnh: Reuters
Ngoài ra, đã xuất hiện nỗi lo số liệu về ca nhiễm mới ở Trung Quốc có thể không chính xác hoặc chưa đầy đủ. Phép thử thật sự sắp tới là liệu virus gây Covid-19 (gọi là SARS-CoV-2) có thể bùng phát trở lại khi trẻ em trở lại trường học và người lao động đi làm trở lại.
Ông Michael Osterholm, chuyên gia tại Trường ĐH Minnesota (Mỹ) không chắc chắn về tính bền vững của chiến lược chống dịch Covid-19 mà Trung Quốc đang theo đuổi.
"Trung Quốc đã thật sự đạt được gì? Liệu họ có thật sự khống chế virus?" - ông thắc mắc.
Trong khi đó, bà Jennifer Nuzzo, chuyên gia tại Trung tâm an ninh y tế Johns Hopkins, khuyên các nước không nên chỉ tập trung khống chế virus. Chẳng hạn như tại Singapore, biện pháp cách ly vẫn tiến hành nhưng nơi làm việc không bị đóng cửa, cho phép các hoạt động kinh tế tiếp tục diễn ra.
Bình luận (0)