Sáng 14-10, đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam do Bộ trưởng, Đại tướng Phùng Quang Thanh dẫn đầu lên đường tham dự Cuộc gặp không chính thức giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cùng các nước ASEAN và Diễn đàn Hương Sơn từ ngày 14 đến 18-10 tại Bắc Kinh, theo TTXVN.
Mỹ - Úc cứng rắn
Các cuộc họp này diễn ra trong lúc biển Đông đang tăng độ nóng trước thông tin Mỹ sắp tuần tra khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hôm 13-10, Đô đốc John Richardson, tư lệnh chỉ huy các hoạt động của Hải quân Mỹ, nói luật pháp quốc tế cho phép tự do đi lại gần các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc nên không có gì ngạc nhiên khi Mỹ thực thi quyền đó. Theo Reuters, một số nhà phân tích ở Washington tin rằng các cuộc tuần tra nói trên có thể diễn ra vào cuối tuần này hoặc tuần tới.
Quyền tự do đi lại ở biển Đông tiếp tục được khẳng định tại cuộc họp giữa bộ trưởng quốc phòng, ngoại trưởng Mỹ với những người đồng cấp Úc hôm 13-10. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố máy bay và tàu nước này “sẽ hoạt động ở bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, với thời gian và địa điểm do chúng tôi chọn lựa và biển Đông không phải là ngoại lệ”.
Theo ông chủ Lầu Năm Góc, chính hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc đang thúc đẩy các nước châu Á hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ. Kết thúc cuộc gặp, 4 bộ trưởng Mỹ - Úc ra tuyên bố chung kêu gọi Trung Quốc chấm dứt hành động xây đảo nhân tạo trái phép ở biển Đông.
Trung Quốc hậm hực
Không có gì khó hiểu khi Đại sứ quán Trung Quốc tại Úc hôm 14-10 chỉ trích Mỹ - Úc đang “đổ dầu vào lửa” ở biển Đông. Ngoài ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tiếp tục luận điệu cũ rích là Bắc Kinh “chưa quân sự hóa biển Đông”. Bà Hoa thậm chí còn ngang ngược chỉ trích một số quốc gia “khoe cơ bắp và thổi phồng vấn đề biển Đông”.
Trong khi đó, phát biểu ở chuyên mục bình luận “Tiêu điểm hôm nay” trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) mới đây, tướng Doãn Trác - một nhân vật “diều hâu” - hiến kế: “Đầu tiên, Bắc Kinh cần phải dùng hành động thực thi pháp luật để xua đuổi tàu thuyền tiến vào 12 hải lý quanh đảo nhân tạo, kết hợp với phản đối ngoại giao. Nếu máy bay tiến vào khu vực này, có thể ứng phó bằng hành động quân sự. Trong trường hợp chỉ là đối tượng không có động cơ quân sự thì đuổi đi. Tuy nhiên, hễ có hành vi uy hiếp, lập tức bắn cảnh cáo hay bắn hạ”.
Tướng này còn cho rằng có khả năng tàu chiến, máy bay Mỹ đi qua nhưng không bật radar, pháo không lên nòng, trực thăng không cất cánh chỉ đi vòng quanh để thách thức.
Ngoài ra, một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có thể đơn phương áp đặt Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trái phép ở biển Đông để trả đũa hoạt động tuần tra của Mỹ, nếu có.
Theo thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio, Trung Quốc gần như đang thực thi ADIZ ở biển Đông bởi bất kỳ máy bay Philippines nào bay qua quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) đều nhận được cảnh báo “tránh xa khu vực này” thông qua điện đàm từ phía Trung Quốc.
Trong động thái được cho là nhằm răn đe Mỹ, báo China Daily hôm 14-10 loan tin không quân Trung Quốc có thể thực hiện các cuộc tấn công chính xác tầm xa khi điều động máy bay ném bom H-6K. Theo chuyên gia quân sự Phó Tiền Thiểu, loại máy bay này có thể chở và phóng tên lửa chống hạm, tên lửa hành trình, qua đó tăng cường sức mạnh tấn công trên không của Bắc Kinh.
Kinh tế tiếp tục u ám
Thị trường chứng khoán khắp thế giới hôm 14-10 lao dốc trong ngày thứ hai liên tiếp còn giá trị đồng USD giảm xuống mức thấp nhất so với các đồng tiền khác do nỗi lo về thực trạng kinh tế Trung Quốc.
Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 9 chỉ tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức kỳ vọng 1,8% và giảm 0,4% so với tháng 8. Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 43 liên tiếp chỉ số này sụt giảm.
Chưa hết, theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu trong tháng 9 lần lượt giảm 3,7% và 20,4% so với cùng kỳ năm 2014. Thặng dư thương mại trong tháng này đạt 60,3 tỉ USD, tăng khoảng 0,1 tỉ USD so với tháng rồi.
Tân Hoa Xã dẫn nhận định của Công ty Minsheng Securities cho rằng 2 dữ liệu PPI, CPI đã nêu bật nguy cơ giảm phát mà Bắc Kinh phải đối mặt, từ đó làm dấy lên khả năng cắt giảm lãi suất trong thời gian tới.
Trong khi đó, báo The Wall Street Journal cho rằng những số liệu bi quan nói trên báo hiệu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tiếp tục vật lộn từ nay đến cuối năm trong bối cảnh nhu cầu thế giới vẫn yếu.
Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng 3,1% trong năm 2015, mức thấp nhất kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.
Phương Võ
Bình luận (0)