icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trung Quốc: Dự án khổng lồ “thay trời làm mưa”

PHƯƠNG VÕ (Theo Asia Times)

Chính phủ Trung Quốc đang lên kế hoạch làm cho bầu trời luôn trong xanh vào kỳ Olympic 2008 ở Bắc Kinh thông qua chương trình biến đổi thời tiết được xem là lớn nhất thế giới hiện nay

Sau nhiều tuần chứng kiến nhiệt độ gia tăng khiến đất đai thêm cằn cỗi, một nhóm nông dân ở ngoại ô Bắc Kinh, Trung Quốc (TQ) đã tập trung tại đồi Hương Sơn ở rìa phía Tây thành phố nhưng không phải để thực hiện nghi lễ cầu mưa hay cầu nguyện trời phật mang mưa đến cho họ như tổ tiên đã làm. Thay vào đó, họ mang theo bệ phóng hỏa tiễn, pháo cao xạ và bắn lên trời. Thứ họ bắn ra không phải là đạn hay tên lửa mà là các viên hóa chất và mục tiêu chính là các đám mây. Những hạt i-ốt bạc được bắn lên các đám mây, nơi hơi ẩm có thể hấp thu chúng và trở nên đủ nặng để rơi xuống.

Hơn 30 máy bay tham gia dự án

Những nông dân nói trên là một phần của lực lượng làm mưa lớn nhất thế giới: Chương trình biến đổi thời tiết TQ. Theo ông Vương Quang Hà, Trưởng Khoa Biến đổi Thời tiết thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Khí tượng TQ, cả nước hiện có hơn 30 tỉnh và thành phố lớn có chương trình biến đổi thời tiết với sự tham gia của hơn 32.000 người, 7.100 pháo cao xạ, 4.911 bệ phóng hỏa tiễn đặc biệt và trên 30 máy bay. Ông Vương nói: “Chúng tôi có chương trình thời tiết nhân tạo lớn nhất thế giới về mặt quy mô, thiết bị và ngân sách. Ngân sách hằng năm của chương trình từ 80 triệu đến 90 triệu USD”.

Không phải ngẫu nhiên mà một dự án lớn nhất thế giới như thế lại được tiến hành ở TQ, nơi đã và đang thực hiện những công trình từng được xem là không tưởng, như tuyến đường sắt Thanh Hải – Tây Tạng hay công trình thủy điện Tam Hiệp lớn nhất thế giới. Tại một nước mà nông nghiệp vẫn còn đóng vai trò lớn như TQ, thời tiết được xem là quá quan trọng đến nỗi không thể phó mặc cho tự nhiên. Vì thế, các nhà khoa học TQ đã bắt đầu nghiên cứu mưa nhân tạo từ năm 1958, sử dụng các chất hóa học, như i-ốt bạc, để thúc đẩy việc ngưng tụ trong các đám mây đầy hơi ẩm.

Dồn nỗ lực cho ngày khai mạc Olympic 2008

Mục đích ban đầu của cuộc nghiên cứu là giảm bớt tình trạng hạn hán và cải thiện mùa màng cho nông dân. Sau này, ứng dụng của việc làm mưa nhân tạo ngày càng nhiều, từ chữa cháy, ngăn mưa đá cho đến bổ sung nước cho sông, hồ chứa hay chống bão cát. Vào năm 2004, Thượng Hải quyết định dùng mưa nhân tạo chỉ để làm giảm nhiệt độ trong một đợt nắng nóng kéo dài. Giờ đây, các quan chức thời tiết TQ vừa được giao thêm một trọng trách: Bảo đảm bầu trời quang đãng cho kỳ Olympic 2008 ở Bắc Kinh.

Bà Trương Cường, một quan chức thuộc Văn phòng Biến đổi Thời tiết Bắc Kinh, cho biết văn phòng bà đang tiến hành các cuộc thử nghiệm phá mây trong 2 năm qua để chuẩn bị cho buổi lễ khai mạc Olympic 2008 dự kiến diễn ra vào ngày 8-8-2008. Theo bà Trương, các dữ liệu khí tượng trước đây cho thấy 50% sẽ có mưa nhỏ trong ngày nói trên. Vì thế, để bảo đảm thời tiết tốt đẹp, Văn phòng Biến đổi Thời tiết Bắc Kinh đang bận rộn nghiên cứu tác dụng của các chất hóa học khác nhau đối với những đám mây có kích thước, thành phần và ở độ cao khác nhau. Mục tiêu là làm sao để trời mưa trước khi lễ khai mạc diễn ra. Theo ông Vương, những nỗ lực tương tự đã từng giúp tạo ra thời tiết tốt vào thời điểm diễn ra một số sự kiện quốc tế ở TQ như Đại hội Thể thao Đông Á ở Thượng Hải năm 1993. Tuy nhiên, bà Trương cũng thận trọng cho rằng giải pháp trên sẽ không thể có hiệu quả trong trường hợp mưa quá to.

Trước mối lo ngại của một số người dân về nguy cơ phương pháp làm mưa nhân tạo gây ô nhiễm môi trường, cả ông Vương và bà Trương đều khẳng định rằng số lượng i-ốt bạc được dùng quá ít đến nỗi không thể tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Trong khi đó, để giảm bớt tình trạng tên lửa và đạn pháo có chứa chất hóa học rơi trúng người hay nhà dân, chính quyền các địa phương đã tăng cường các lớp đào tạo và huấn luyện. Tại Bắc Kinh, 135 nông dân đã trải qua vài tuần huấn luyện trước khi được dùng bệ phóng hỏa tiễn và pháo cao xạ. Những nông dân này được trả 100 USD/tháng để thực hiện công việc của mình khoảng 40 lần mỗi năm.

Bất chấp hoài nghi của thế giới

Hiệu quả chính là điểm bị hoài nghi lớn nhất trong các nỗ lực biến đổi thời tiết đang được tiến hành trên thế giới. Ông Vương thừa nhận hiện chưa có cách nào để ước tính được lượng mưa có thể rơi khi không có tác động của con người, để từ đó xác định phương pháp trên hiệu quả đến đâu. Mỹ, nước đầu tiên sử dụng các công nghệ làm mưa nhân tạo vào những năm 40 và 50 của thế kỷ trước, từ lâu đã không còn mặn mà với lĩnh vực này. Bất chấp sự hoài nghi của quốc tế, Chính phủ TQ vẫn tin vào thành công của những nỗ lực biến đổi thời tiết. Các con số thống kê cho thấy khoảng 250 tỉ tấn nước mưa nhân tạo đã được tạo ra ở TQ từ 1999 đến 2006. Trong khi đó, theo bà Trương, lượng nước tăng từ 10% đến 13% tại các hồ chứa ở Bắc Kinh nhờ vào những nỗ lực làm mưa nhân tạo của văn phòng bà.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo