Iran và Ả Rập Saudi vốn nằm trong các khu vực mà Mỹ duy trì sự ảnh hưởng từ lâu. Vì vậy, Washington có lý do để lo ngại sau khi Bắc Kinh làm trung gian giúp Riyadh và Tehran khôi phục quan hệ ngoại giao.
Thỏa thuận khôi phục trên được công bố sau 4 ngày các phái đoàn Ả Rập Saudi và Iran đàm phán tại Trung Quốc. Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby ngày 10-3 cho biết Mỹ không trực tiếp tham gia cuộc đàm phán đó và Washington chỉ nhận được thông báo từ Riyadh.
Từ trái qua: Cố vấn an ninh quốc gia Ả Rập Saudi Musaad bin Mohammed Al Aiban, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị và Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Iran Ali Shamkhani gặp nhau ngày 10-3. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, theo ông Kirby, áp lực bên trong và bên ngoài - bao gồm sự răn đe của Ả Rập Saudi - mới là yếu tố khiến Iran chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán chứ không phải sự can thiệp của Trung Quốc.
Ngược lại, cựu quan chức cấp cao Mỹ và Liên Hiệp Quốc kiêm thành viên Viện Brookings (Mỹ) Jeffrey Feltman cho rằng Trung Quốc mới là "khía cạnh quan trọng nhất của thỏa thuận".
Ông Daniel Russel, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ ở Đông Á dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nhận định việc Bắc Kinh tham gia môi giới thỏa thuận có thể mang ý nghĩa quan trọng đối với Washington.
Còn ông Naysan Rafati, làm việc tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế đa quốc gia, lưu ý rằng khi nhắc đến Iran, không rõ có mang lại kết cục tốt đẹp cho Mỹ hay không.
Tại Washington, thành viên đảng Cộng hòa Michael McCaul tuyên bố Trung Quốc không phải một bên liên quan đến vấn đề giữa Ả Rập Saudi và Iran.
Trong khi đó, ông Kirby nói Washington đang theo dõi chặt chẽ hành vi của Bắc Kinh ở Trung Đông và những nơi khác.
Ông Brian Katulis, đến từ Viện Trung Đông (Mỹ), cho biết đối với Mỹ và Israel, thỏa thuận trên mở ra con đường mới có thể giúp hồi sinh các cuộc đàm phán bị đình trệ về chương trình hạt nhân Iran. Nguyên nhân là Ả Rập Saudi rất quan tâm đến chương trình hạt nhân Iran. Nếu hai nước khôi phục quan hệ ngoại giao, Riyadh cần giải quyết mối quan tâm này.
Thỏa thuận ngày 10-3 cũng mang lại hy vọng hòa bình lâu dài hơn ở Yemen, nơi Ả Rập Saudi và Iran được cho là liên quan tới cuộc xung đột bùng lên hồi năm 2014. Các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Yemen vào tháng 4 năm ngoái nhưng không qua trung gian hòa giải. Thỏa thuận hết hạn vào tháng 10 cùng năm và chưa được gia hạn.
Bình luận (0)