Quốc hội Trung Quốc hôm nay (5-3) bắt đầu kỳ họp thường niên kéo dài 2 tuần với tâm điểm thảo luận là nền kinh tế đang đối mặt nhiều sức ép, trong đó có chiến tranh thương mại với Mỹ. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng 6,6% trong năm 2018, mức thấp nhất trong 28 năm qua. Truyền thông Trung Quốc dự báo mục tiêu tăng trưởng trong năm nay thậm chí còn thấp hơn, khoảng 6,5%. Theo kênh Channel NewsAsia, con số này có thể dao động từ 6%- 6,5%.
Hãng tin Tân Hoa Xã cho biết trong số những nội dung liên quan đến kinh tế được tập trung thảo luận tại kỳ họp trên có nỗ lực tạo công ăn việc làm, quản lý thị trường bất động sản, giảm nghèo, giảm thâm hụt tài khóa và tăng trưởng thương mại… Cộng đồng quốc tế sẽ quan sát xem liệu có dấu hiệu hoặc thông báo nào liên quan đến cải cách doanh nghiệp nhà nước và những thay đổi, nếu có, trong môi trường kinh doanh dành cho công ty tư nhân.
Một số nhà phân tích nhận định trong bối cảnh Bắc Kinh vấp phải nhiều thách thức trong và ngoài nước, các chính sách kinh tế sẽ càng thu hút sự quan tâm tại kỳ họp quốc hội lần này.
Một nội dung không thể thiếu là tìm giải pháp cho cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tại cuộc họp báo hôm 4-3, ông Zhang Yesui, người phát ngôn quốc hội Trung Quốc, nhận định hai nước đã đạt được tiến triển thực chất trong đàm phán và lịch sử cho thấy hợp tác là lựa chọn tốt nhất cho hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Một công trường xây dựng tại thủ đô Bắc Kinh. Quản lý thị trường bất động sản có thể là một trong những nội dung được thảo luận tại kỳ họp quốc hội Trung Quốc khai mạc ngày 5-3 Ảnh: REUTERS
Trang Bloomberg dẫn một số nguồn tin cho biết Mỹ và Trung Quốc đang tiến gần một thỏa thuận thương mại, theo đó Washington có thể dỡ bỏ hầu hết hoặc toàn bộ thuế quan miễn là Bắc Kinh tuân thủ một loạt cam kết, như bảo vệ tốt hơn quyền sở hữu trí tuệ, mua nhiều sản phẩm Mỹ…
Giới chức Trung Quốc nói rõ trong các cuộc thương thảo gần đây rằng Mỹ cần loại bỏ thuế quan đối với 200 tỉ USD hàng hóa nước này nếu muốn đạt bất kỳ thỏa thuận nào. Một trong những vấn đề còn khúc mắc là thuế quan nên được dỡ bỏ ngay tức thì hoặc dần dần trong một giai đoạn nhất định để cho phép Mỹ giám sát việc tuân thủ cam kết. Dù vậy, theo báo The Wall Street Journal, hai bên tin rằng đàm phán đã đạt tiến triển đủ để Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí về một thỏa thuận chính thức tại cuộc gặp dự kiến diễn ra ngày 27-3.
Ngoài kinh tế, chi tiêu quân sự của Trung Quốc tiếp tục là tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế. Tại cuộc họp báo trên, ông Zhang Yesui khẳng định Bắc Kinh sẽ duy trì mức tăng "hợp lý và thỏa đáng" đối với chi tiêu quốc phòng để phù hợp với an ninh quốc gia và cải cách quân sự. Người phát ngôn này nhấn mạnh mức chi tiêu quốc phòng "hạn chế" của Trung Quốc chỉ nhằm đáp ứng những nhu cầu an ninh riêng và bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời "không đe dọa các nước".
Bắc Kinh năm ngoái công bố ngân sách quốc phòng tăng 8,1%, mức cao nhất trong 3 năm. Theo ông Zhang, tỉ lệ tăng năm nay cũng sẽ dưới 10% nhưng con số cụ thể không được tiết lộ. Trước đó, trong giai đoạn 1989-2015, chi tiêu quốc phòng thường niên của Trung Quốc tăng hơn 10% khi nước này bắt đầu hiện đại hóa quân đội.
Theo Reuters, Tổng thống Donald Trump đã ủng hộ kế hoạch yêu cầu mức ngân sách quốc phòng 750 tỉ USD cho năm 2019. Trong khi đó, Trung Quốc được cho là dành 1.110 tỉ nhân dân tệ (gần 166 tỉ USD) cho ngân sách quốc phòng năm ngoái. Nhiều nước phàn nàn rằng sự thiếu minh bạch trong chi tiêu quân sự - con số trong thực tế được cho là cao hơn nhiều - của Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng tại khu vực. Tuy nhiên, Bắc Kinh bác bỏ chỉ trích này.
Bình luận (0)