Giới truyền thông Trung Quốc đang đẩy mạnh quảng bá học thuyết chính trị mới được gói gọn trong 2 chữ “tứ toàn” của Chủ tịch Tập Cận Bình. Đây là một nỗ lực nhằm đẩy mạnh chất lượng lãnh đạo và điều hành đất nước của nhà lãnh đạo này.
Học thuyết “tứ toàn” từng được ông Tập nhắc đến vài tháng trước nhưng việc Nhân dân nhật báo đăng bài ca ngợi trên trang nhất hôm 25-2 cho thấy một sự ủng hộ rộng rãi hơn. Theo bài viết, nội dung của học thuyết được tóm tắt ở 4 điểm “toàn diện”, là “xây dựng xã hội thịnh vượng toàn diện, cải tổ sâu sắc toàn diện, thực hiện nhà nước pháp quyền toàn diện, thực hiện kỷ cương Đảng toàn diện”.
Theo đài CCTV, “xây dựng xã hội thịnh vượng toàn diện” lầu đầu được xem là một bước đi quan trọng trong việc hiện thực hóa “giấc mơ Trung Hoa” - khẩu hiệu được ông Tập đưa ra hồi năm 2013 sau khi lên nắm quyền. Tương tự, nội dung “thực hiện nhà nước pháp quyền toàn diện” lần đầu đi đôi với “cải tổ sâu sắc toàn diện”.
Đài BBC nhận định 3 điểm “toàn diện” đầu tiên là những nội dung khá quen thuộc với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Riêng điểm thứ tư có vẻ nói đến chiến dịch chống tham nhũng mà ông Tập đang tiến hành khiến không ít quan chức sa lưới pháp luật.
Ngoài việc thúc đẩy học thuyết chính trị nói trên, Bắc Kinh còn tăng cường hạn chế ảnh hưởng của phương Tây. Tòa án Tối cao Trung Quốc hôm 25-2 nhắc nhở các quan chức từ bỏ “những quan điểm sai lầm của phương Tây” trong quá trình cải cách pháp lý.
Tuyên bố đăng trên website của cơ quan này cho biết Trung Quốc sẽ thiết lập ranh giới với quan điểm “tư pháp độc lập” và “sự phân quyền” mà phương Tây cổ xúy. Thay vào đó, Tòa án Tối cao Trung Quốc đặt ra thời hạn 5 năm để tiến hành các cải cách pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi của cá nhân và ngăn chặn những trường hợp xử án sai.
Đây được xem là lần công kích mới nhất của Trung Quốc đối với hệ tư tưởng phương Tây. Trước đó, nước này nhiều lần bác bỏ những giá trị như nền dân chủ đa đảng và nhân quyền phổ quát. Gần đây, Bộ trưởng Giáo dục Trung Quốc Viên Quý Nhân cũng kêu gọi loại bỏ tài liệu học tập “cổ xúy giá trị phương Tây” ra khỏi trường lớp để ngăn chặn sự ảnh hưởng của chúng lên giới trẻ.
Song song đó, chính phủ Trung Quốc vừa quyết định gạch tên một số thương hiệu công nghệ hàng đầu thế giới ra khỏi danh sách mua sắm của các bộ, đồng thời chấp nhận hàng ngàn sản phẩm nội địa. Reuters nhận định động thái này có thể xuất phát từ nỗi lo an ninh sau khi xuất hiện tràn lan cáo buộc phương Tây do thám trên mạng. Một lý do khác là Bắc Kinh muốn bảo vệ ngành công nghiệp công nghệ trong nước trước sức ép cạnh tranh từ bên ngoài.
Số lượng thương hiệu công nghệ nước ngoài được Trung tâm Mua sắm chính phủ Trung Quốc (CGPC) thông qua vào cuối năm 2014 đã giảm 1/3 so với năm 2012, trong đó có nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực bảo mật. Một loạt công ty Mỹ bị gạch tên như Cisco, Apple, Intel, McAfee, Citrix Systems… “Chúng tôi từng thừa nhận địa chính trị tác động đến việc kinh doanh tại những thị trường mới nổi nhất định” - một phát ngôn viên của Cisco nói với Reuters khi được hỏi về thông tin trên.
Mặt trận chống tham nhũng mới
Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) thông báo sẽ đăng tải lời thú tội của các quan tham với mục đích cảnh báo, giáo dục. Tuyên bố trên website của CCDI vào cuối ngày 25-2 kêu gọi người dân chú ý theo dõi bài viết đầu tiên, tập trung vào vụ án tham nhũng của một quan chức cấp cao ở TP Từ Châu, tỉnh Giang Tô. Cơ quan này cho biết sẽ thường xuyên đăng những trường hợp vi phạm điển hình cùng với lời ăn năn hối lỗi của quan tham để “thức tỉnh” những ai có ý định nhúng chàm.
Bình luận (0)